Hoạt động của các thiết bị, công trình trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam từ 01/04/2018

Hoạt động của các thiết bị, công trình trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Hoàng Việt. Hiện tại, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam. Vừa qua, tôi được biết, pháp luật quy định về vấn đề này đã có sự thay đổi. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, theo quy định mới thì hoạt động của các thiết bị, công trình trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn! Hoàng Việt (hoangviet*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 16/2018/NĐ-CP về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2018 thì hoạt động của các thiết bị, công trình trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam được quy định cụ thể như sau:

Hoạt động của các thiết bị, công trình trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam phải thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật biển Việt Nam năm 2012 và theo quy định sau:

- Tổ chức, cá nhân trước khi tiến hành hoạt động khảo sát, thăm dò, xây dựng công trình, thiết lập vành đai an toàn của công trình hoặc các hoạt động khác trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải.

- Trình tự thủ tục thực hiện như sau: Tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác đến Bộ Giao thông vận tải 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây:

+ Văn bản đề nghị tiến hành hoạt động khảo sát, thăm dò, xây dựng công trình, thiết lập vành đai an toàn của công trình hoặc các hoạt động khác trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam;

+ Bản sao văn bản, tài liệu, giấy tờ chứng minh sự cần thiết tiến hành hoạt động khảo sát, thăm dò, xây dựng công trình, thiết lập vành đai an toàn của công trình hoặc các hoạt động khác trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam;

+ Bản sao ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan (nếu có).

- Chậm nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 16/2018/NĐ-CP, Bộ Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận và gửi cho người đề nghị thông qua hệ thống bưu chính hoặc chủ đầu tư đến nhận trực tiếp tại Bộ Giao thông vận tải; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Khi hết hạn sử dụng, thiết bị, công trình trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam phải được tháo dỡ. Chủ đầu tư của các thiết bị, công trình trên biển chưa kịp tháo dỡ vì lý do kỹ thuật hoặc bất khả kháng phải thông báo Cảng vụ Hàng hải khu vực biết về vị trí, kích thước, hình dạng, độ sâu và phải lắp đặt các tín hiệu, báo hiệu hàng hải theo quy định.

- Chủ đầu tư của công trình phải tiến hành các biện pháp bảo vệ công trình của mình. Chậm nhất 03 ngày làm việc trước khi tiến hành thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định 16/2018/NĐ-CP, chủ đầu tư phải thông báo cho Cảng vụ hàng hải khu vực và các cơ quan tổ chức có liên quan biết để tổ chức quản lý theo quy định.

Trên đây là nội dung tư vấn về hoạt động của các thiết bị, công trình trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 16/2018/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tuyến hàng hải

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào