Hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP

Hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Anh Quân, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu. Tôi đang có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Anh Quân (anhquan*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thì hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP được quy định cụ thể như sau:

- Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 9 Nghị định 30/2015/NĐ-CP.

- Áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước trong các trường hợp sau đây:

+ Lĩnh vực đầu tư mà pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực hiện;

+ Nhà đầu tư nước ngoài không tham dự sơ tuyển quốc tế hoặc không trúng sơ tuyển quốc tế;

+ Dự án PPP nhóm C theo quy định pháp luật về đầu tư công. Trường hợp cần sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý quốc tế thì nhà đầu tư trong nước được liên danh với nhà đầu tư nước ngoài hoặc sử dụng nhà thầu nước ngoài để tham dự thầu và thực hiện dự án.

+ Dự án đầu tư có sử dụng đất mà sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) dưới 120.000.000.000 (một trăm hai mươi tỷ) đồng.

- Chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm:

+ Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển; chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển;

+ Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu;

+ Dự án do nhà đầu tư đề xuất đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất bao gồm dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất có mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu. Dự án khả thi và hiệu quả cao nhất được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

++ Có báo cáo nghiên cứu khả thi (đối với dự án PPP) hoặc đề xuất dự án (đối với dự án PPP nhóm C) được phê duyệt;

++ Nhà đầu tư đề xuất giá dịch vụ hoặc vốn góp của Nhà nước hoặc lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước hợp lý;

++ Đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo.

Trên đây là nội dung tư vấn về hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 30/2015/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào