Cách tính tỉ lệ dự trữ thanh khoản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam

Cách tính tỉ lệ dự trữ thanh khoản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào? Xin chào Qúy Ban biên tập. Em là sinh viên khoa Luật dân sự, trường Đại học Luật TP.HCM. Học kỳ này em đang học môn Luật ngân hàng. Trong quá trình học, em có tìm hiểu thêm về tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tuy nhiên một vài vấn đề em chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Cho em hỏi, theo quy định hiện hành thì trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, tỉ lệ dự trữ thanh khoản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tính ra sao? Vấn đề này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được hồi âm từ các chuyên gia. Em xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!    Thành Lộc (0902****)

 Ngày 28/12/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN về sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, cách tính tỉ lệ dự trữ thanh khoản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 15 Điều 1 Thông tư 19/2017/TT-NHNN, sửa đổi Điểm b, c Khoản 2 Điều 15 Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Cụ thể như sau:

Tỷ lệ dự trữ thanh khoản được xác định theo công thức sau:

Tỷ lệ dự trữ thanh khoản (%)

=

Tài sản có tính thanh khoản cao

x 100

Tổng Nợ phải trả

Trong đó:

- Tài sản có tính thanh khoản cao được quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này;

- Tổng Nợ phải trả là khoản mục Tổng Nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán, trừ đi:

+ Khoản tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức khoản chiết khấu giấy tờ có giá, khoản vay được cầm cố bằng giấy tờ có giá (trừ đi khoản tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành); khoản vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng; khoản bán có kỳ hạn giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước.

+ Khoản cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác dưới các hình thức bán có kỳ hạn, chiết khấu, tái chiết khấu và khoản vay được cầm cố: (i) các loại giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước; (ii) các loại trái phiếu, tín phiếu do Chính phủ các nước, Ngân hàng Trung ương các nước phát hành hoặc bảo lãnh thanh toán, được tổ chức xếp hạng quốc tế (Standard & Poor’s, Fitch Rating) xếp hạng từ mức AA hoặc tương đương trở lên hoặc thang thứ hạng tương ứng của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm độc lập khác.

c) Tài sản có tính thanh khoản cao và tổng Nợ phải trả được tính theo đồng Việt Nam, bao gồm đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi khác quy đổi sang đồng Việt Nam (theo tỷ giá trung tâm, tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam và một số ngoại tệ khác do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày hoặc theo tỷ giá do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạch toán trong trường hợp không có tỷ giá trung tâm, tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam và một số ngoại tệ khác).

Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ngân hàng Hỏi - Đáp Pháp luật đối với thắc mắc của bạn về cách tính tỉ lệ dự trữ thanh khoản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề, bạn vui lòng xem thêm tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN.

Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chi nhánh

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào