Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu theo quy định tại Nghị định 17/2018/NĐ-CP

Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Đức Hải. Hiện tại, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến chính sách phát triển thủy sản của nhà nước. Vừa qua, tôi được biết Chính phủ đã ban hành một số quy định mới liên quan đến vấn đề này. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, theo quy định mới thì chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn! Đức Hải (duchai*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 4a Nghị định 67/2014/NĐ-CP được bổ sung theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 17/2018/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 25/03/2018) thì chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên được quy định cụ thể như sau:

- Đối tượng: Chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên cụ thể: Tàu đóng mới thuộc số lượng tàu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các tỉnh; tàu đóng mới thay thế các tàu làm nghề lưới kéo có công suất từ 90CV trở lên chuyển đổi sang làm các nghề được khuyến khích phát triển như: Lưới vây, nghề lưới rê (trừ lưới rê khai thác cá ngừ), nghề câu, nghề chụp, dịch vụ hậu cần.

- Điều kiện được hỗ trợ:

+ Chủ tàu là thành viên của tổ đội sản xuất, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã nghề cá được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt;

+ Tàu cá đóng mới phải là tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, vỏ composite;

+ Tàu đóng mới máy chính phải sử dụng máy thủy mới 100% chính hãng;

+ Tàu cá phải lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh và kết nối được với trạm bờ để quản lý, giám sát hành trình trong quá trình tàu hoạt động trên biển;

+ Tàu khai thác hải sản xa bờ đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản;

+ Tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá.

- Mức hỗ trợ:

+ Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đóng mới vỏ thép (bao gồm cả các trang thiết bị mới), cụ thể:

Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu;

Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.

+ Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đóng mới vỏ composite có công suất từ 800CV trở lên (bao gồm cả các trang thiết bị mới), chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu.

- Trình tự, thủ tục hỗ trợ:

+ Chủ tàu gửi hồ sơ (01 bộ) đề nghị hỗ trợ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi đăng ký tàu cá trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Hồ sơ bao gồm:

Đơn đề nghị hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng mới tàu của chủ tàu có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã/phường nơi chủ tàu có hộ khẩu thường trú (Mẫu đề nghị hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);

Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân của chủ tàu;

Bản sao các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu khai thác hải sản; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ;

Hợp đồng đóng mới tàu cá để xác định chủ tàu đặt hàng đóng mới tàu cá;

Bảng quyết toán của cơ sở đóng tàu về tổng mức đầu tư đóng mới tàu cá (bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; trang thiết bị bảo quản hải sản; bảo quản hàng hóa; bốc xếp hàng hóa) kèm theo các hóa đơn, chứng từ thanh toán tiền đóng mới tàu cá, tiền mua mới máy móc, trang thiết bị.

+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ của chủ tàu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt số tiền hỗ trợ cho chủ tàu;

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Tờ trình đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt số tiền hỗ trợ cho chủ tàu và gửi kết quả đến Kho bạc Nhà nước cấp huyện nơi chủ tàu được hỗ trợ, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan;

+ Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài chính lập lệnh chi tiền gửi Kho bạc Nhà nước;

+ Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được lệnh chi tiền của Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thông báo công khai lịch cấp tiền cho chủ tàu; chủ tàu phải xuất trình giấy chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân để đối chiếu khi nhận tiền;

+ Lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí

Sở Tài chính phối hợp các Sở, ngành, địa phương liên quan căn cứ số lượng tàu đóng mới được hưởng chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư, xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu của các địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí từ ngân sách trung ương cho các địa phương.

Kinh phí hỗ trợ một lần sau đầu tư được tổng hợp vào quyết toán chi ngân sách cấp tỉnh hàng năm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước và mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.”

Trên đây là nội dung tư vấn về chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 17/2018/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đầu tư

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào