Giám định về sở hữu trí tuệ
Theo quy định tại Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 thì việc giám định về sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể như sau:
- Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện sau đây được thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ:
+ Có nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giám định theo quy định của pháp luật;
+ Có chức năng thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động;
+ Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền có Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.
- Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ:
+ Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Thường trú tại Việt Nam;
+ Có phẩm chất đạo đức tốt;
+ Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ giám định, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ năm năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền trưng cầu giám định về sở hữu trí tuệ khi giải quyết vụ việc mà mình đang thụ lý.
- Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền yêu cầu giám định về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc giám định về sở hữu trí tuệ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật