Trình tự xử lý các khoản tổn thất của Ngân hàng Nhà nước

Trình tự xử lý các khoản tổn thất của Ngân hàng Nhà nước được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội trong lĩnh vực bất động sản. Trong quá trình công tác, tôi có tìm hiểu thêm thông tin về lĩnh vực tài chính ngân hàng, tuy nhiên, một vài vấn đề tôi chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Cho tôi hỏi, theo quy định hiện hành thì trình tự xử lý các khoản tổn thất của Ngân hàng Nhà nước được tiến hành ra sao? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ các chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Đức Huy (huy***@gmail.com)

Ngày 31/12/2013, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 39/2013/TT-NHNN quy định về xác định, trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, trình tự xử lý tổn thất của Ngân hàng Nhà nước là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 11 Thông tư 39/2013/TT-NHNN. Cụ thể như sau:

Trình tự xử lý tổn thất phát sinh trong quá trình hoạt động của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện như sau:

1. Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước nơi có các khoản tổn thất phát sinh trong hoạt động chỉ đạo các bộ phận liên quan thuyết minh, giải trình, lập biên bản, đề xuất xử lý tổn thất (kèm theo bản sao chụp hồ sơ của các khoản tổn thất có xác nhận của đơn vị) và gửi Vụ Tài chính - Kế toán.

2. Vụ Tài chính - Kế toán làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, tài liệu liên quan tới các khoản tổn thất do đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước gửi về, thực hiện thẩm định, tổng hợp nguyên trạng hồ sơ và gửi xin ý kiến các đơn vị có thành viên trong Hội đồng xử lý tổn thất quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này.

3. Vụ Tài chính - Kế toán xem xét và có văn bản đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thành lập Hội đồng xử lý tổn thất quy định tại Điều 12 Thông tư này.

4. Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu liên quan quy định tại Điều 10 Thông tư này, ý kiến thẩm định của Vụ Tài chính - Kế toán và ý kiến tham gia của các đơn vị có liên quan, Hội đồng xử lý tổn thất phân tích, đánh giá, đề xuất phương án xử lý và trình Thống đốc xem xét, quyết định sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý đối với từng khoản tổn thất cụ thể.

Riêng đối với các khoản nợ tại điểm a khoản 3 Điều 9 và khoản thanh toán với Nhà nước và Ngân sách Nhà nước tại khoản 4 Điều 9 Thông tư này, Hội đồng xử lý tổn thất phải báo cáo, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến Bộ Tài chính và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi lập phương án xử lý.

5. Căn cứ Quyết định của Thống đốc về việc sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý tổn thất, Vụ Tài chính - Kế toán phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hạch toán và quản lý các khoản tổn thất sau khi đã xử lý đã được phê duyệt theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ngân hàng Hỏi - Đáp Pháp luật đối với thắc mắc của bạn về trình tự xử lý các khoản tổn thất của Ngân hàng Nhà nước. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề, bạn vui lòng xem thêm tại Thông tư 39/2013/TT-NHNN.

Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!

Trân trọng! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào