Hướng dẫn nhập khẩu tinh dầu từ sả, chanh, lá chanh, gừng,...
1/ Quy định về loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất:
- Căn cứ Điều 39, Điều 40 Luật số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 06 năm 2017 quy định:
“Điều 39. Kinh doanh tạm nhập, tái xuất
1. Việc thương nhân mua hàng hóa từ một nước đưa vào lãnh thổ Việt Nam hoặc từ khu vực hải quan riêng đưa vào nội địa và bán chính hàng hóa đó sang nước, khu vực hải quan riêng khác được thực hiện như sau:
a) Thương nhân phải có giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu;
b) Thương nhân kinh doanh tạm nhập, tái xuất phải đáp ứng các điều kiện đã được quy định đối với hàng hóa thuộc ngành, nghề kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện;
c) Thương nhân kinh doanh tạm nhập, tái xuất chỉ phải làm thủ tục tại cơ quan hải quan cửa khẩu đối với hàng hóa không thuộc quy định tại điểm a, điểm b khoản này và Điều 40 của Luật này.
2. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chỉ được lưu lại lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn nhất định.
3. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất phải được làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan cho tới khi tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
4. Việc tiêu thụ hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong nội địa phải thực hiện theo quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan….”
- Căn cứ Điều 4 Thông tư 11/2017/TT-BCT ngày 18/07/2017 của Bộ Công thương quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa:
“Điều 4. Quy định chung về kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa
1. Trừ trường hợp hàng hóa thuộc Phụ lục I, II và trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều này, thương nhân là doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh. Thủ tục tạm nhập, tái xuất hàng hóa thực hiện tại cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất của Bộ Công Thương.
2. Hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Phụ lục III, IV, V thực hiện theo các điều kiện quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 Nghị định số 77/2016/NĐ-CP.
3. Đối với hàng hoá kinh doanh tạm nhập, tái xuất quy định tại khoản 2 Điều này, thương nhân không được phép uỷ thác hoặc nhận uỷ thác tạm nhập, tái xuất.
4. Hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, doanh nghiệp phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất của Bộ Công Thương. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất quy định tại Chương III Thông tư này.”
- Căn cứ hướng dẫn tại công văn số 2765/TCHQ-GSQL ngày 01/04/2015 của Tổng cục Hải quan quy định:
Loại hình G11: Tạm nhập hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất – Sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa theo loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất
Loại hình G21: Tái xuất hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất – sử dụng trong trường hợp khai tái xuất hàng kinh doanh TNTX đã nhập theo mã G11 (bao gồm hóa đổi xăng dầu tái xuất)
Lưu ý: Doanh nghiệp tự xác định và khai thời hạn lưu giữ tại Việt Nam trên tờ khai hải quan. Trường hợp gia hạn phải thực hiện sửa đổi, bổ sung thông tin quản lý hàng TNTX
2/ Chính sách mặt hàng nhập khẩu:
Do công ty không nêu rõ tên, chủng loại, công dụng,... từng loại hàng hoá nên chưa thể trả lời cho công ty được, đề nghị tham khảo các quy định sau để thực hiện:
a. Đối với TNTX tinh dầu các loại dùng làm mỹ phẩm:
- Căn cứ khoản 1 Điều 35 Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về việc nhập khẩu mỹ phẩm như sau:
“Các sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn hiệu lực được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành. Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận.”
- Căn cứ Điều 3 và Điều 4 Thông tư trên quy định:
“Điều 3. Quy định về việc công bố sản phẩm mỹ phẩm
1. Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.
2. Lệ phí công bố sản phẩm mỹ phẩm được thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.
4. Việc công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm (mục đích sử dụng của sản phẩm) phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 03-MP).
Điều 4. Hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm
Hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm bao gồm các tài liệu sau:
1. Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (02 bản) kèm theo dữ liệu công bố (bản mềm của Phiếu công bố);
2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (có chữ ký và đóng dấu của doanh nghiệp). Trường hợp mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất thì phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà sản xuất (có chứng thực hợp lệ);
3. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ Giấy ủy quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam (áp dụng đối với mỹ phẩm nhập khẩu và mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất). Đối với sản phẩm nhập khẩu thì Giấy uỷ quyền phải là bản có chứng thực chữ ký và được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Giấy uỷ quyền phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 6 Thông tư này.
4. Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS): Chỉ áp dụng đối với trường hợp công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và đáp ứng các yêu cầu sau:
a) CFS do nước sở tại cấp là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ, còn hạn. Trường hợp CFS không nêu thời hạn thì phải là bản được cấp trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp.
b) CFS phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”
Như vậy, trường hợp sản phẩm có tiếp xúc trực tiếp với da thì khi nhập khẩu đều phải tuân theo các quy định trên và liên hệ với Cục Quản lý dược - Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tại nơi Công ty nhập khẩu để được hướng dẫn chi tiết.
b. Đối với TNTX hoa các loại:
- Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 05/09/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định:
“Điều 1. Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
2. Sản phẩm của cây
a) Các loại củ, quả, hạt, hoa, lá, thân, cành, gốc, rễ, vỏ cây”
Như vậy, mặt hàng hoa quả tươi thuộc đối tượng kiểm dịch và được cấp phép kiểm dịch nhập khẩu.
3/ Chính sách thuế:
- Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 84 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 84. Quản lý, theo dõi tờ khai hải quan tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập
1. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất
a) Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập theo dõi lượng hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất trên Hệ thống.
Trường hợp việc khai hải quan tạm nhập, tái xuất thực hiện trên tờ khai hải quan giấy thì việc theo dõi lượng hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất được thực hiện trên tờ khai hải quan giấy;
b) Sau khi tái xuất, thương nhân thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế nhập khẩu cho tờ khai tạm nhập theo quy định tại mục 4 Chương VII Thông tư này tại Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập”.
Như vậy đối với hàng hóa tạm nhập thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu, sau khi tái xuất công ty thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế nhập khẩu cho tờ khai tạm nhập theo quy định tại mục 4 Chương VII Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015.
- Hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất công ty căn cứ điều 120 Thông tư 38/2015/TT-BTC để thực hiện:
“Điều 120. Hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hoá tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu…
1. Công văn yêu cầu hoàn thuế đối với hàng hoá tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu hoặc hàng hoá tạm xuất khẩu để tái nhập khẩu và hàng hoá nhập khẩu uỷ thác cho phía nước ngoài sau đó tái xuất: 01 bản chính, trong đó nêu rõ:
a) Số tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đề nghị hoàn thuế; tên hàng, số thứ tự dòng hàng, số lượng hàng hóa trên tờ khai hải quan (đối với trường hợp đề nghị hoàn thuế một phần của tờ khai hải quan); số hợp đồng có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đề nghị hoàn thuế;
b) Số tiền thuế xuất khẩu, nhập khẩu đã nộp; số tiền thuế xuất khẩu, nhập khẩu yêu cầu hoàn;
c) Số chứng từ thanh toán đối với trường hợp đã thực hiện thanh toán qua ngân hàng;
d) Thông tin về hàng hóa đã xuất khẩu theo quy định tại Điều 53 Thông tư này.
2. Trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy, nộp thêm 01 bản chính tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này.
- Căn cứ biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2016 - 2018 ban hành kèm theo Nghị định số 129/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ.
Theo đó, trường hợp công ty có C/O mẫu D thì đối chiếu biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nêu trên để xác định mã HS cho lô hàng nhập khẩu cũng như chính sách thuế ưu đãi đối với mặt hàng nhập khẩu có C/O đính kèm.
Thư Viện Pháp Luật