Quy định về chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức
Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức được quy định tại Điều 10 Thông tư 17/2016/TT-BXD hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành như sau:
1. Tổ chức phải có chứng chỉ năng lực khi tham gia hoạt động xây dựng thuộc các lĩnh vực sau đây:
a) Khảo sát xây dựng gồm: khảo sát địa hình; khảo sát địa chất, địa chất thủy văn công trình.
b) Lập quy hoạch xây dựng.
c) Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng gồm: thiết kế kiến trúc công trình; thiết kế kết cấu công trình; thiết kế điện - cơ điện công trình; thiết kế cấp - thoát nước công trình; thiết kế thông gió - cấp thoát nhiệt; thiết kế mạng thông tin - liên lạc trong công trình xây dựng.
d) Lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng.
đ) Quản lý dự án đầu tư xây dựng.
e) Thi công xây dựng công trình.
g) Giám sát thi công xây dựng gồm: giám sát công tác xây dựng công trình; giám sát lắp đặt thiết bị công trình; giám sát lắp đặt thiết bị công nghệ.
h) Kiểm định xây dựng.
i) Quản lý, thẩm tra chi phí đầu tư xây dựng.
2. Một tổ chức có thể đề nghị cấp chứng chỉ năng lực cho một hoặc nhiều lĩnh vực tương ứng với các hạng khác nhau theo quy định của Thông tư này. Tổ chức chưa đủ Điều kiện cấp chứng chỉ năng lực được tham gia các hoạt động xây dựng các lĩnh vực quy định tại Điều này đối với dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình quy mô cấp IV; dự án sửa chữa, cải tạo, bảo trì công trình quy mô cấp IV khi người phụ trách lĩnh vực chuyên môn của tổ chức có Điều kiện năng lực phù hợp với lĩnh vực đó.
3. Tổ chức nước ngoài không yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực theo quy định tại Thông tư này khi hoạt động xây dựng tại Việt Nam.
Trên đây là nội dung quy định về chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 17/2016/TT-BXD.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật