Các hình thức tổ chức tài liệu thư viện
Ngày 0812/2014, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 18/2014/TT-BVHTTDL về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện.
Theo đó, các hình thức tổ chức tài liệu thư viện là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 7 Thông tư 18/2014/TT-BVHTTDL. Cụ thể như sau:
1. Tổ chức tài liệu để xác định vị trí của tài liệu trong thư viện giúp cho công tác quản lý, bảo quản và phục vụ người sử dụng được nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.
2. Các hình thức tổ chức tài liệu trong thư viện:
a) Tài liệu giấy chủ yếu được tổ chức theo các hình thức sau:
- Kho mở (tài liệu được sắp xếp theo chỉ số phân loại, hoặc chủ đề, kết hợp với ký hiệu tên tác giả hoặc nhan đề), người sử dụng tiếp cận trực tiếp với tài liệu thư viện;
- Kho đóng (tài liệu được sắp xếp theo số đăng ký cá biệt, kết hợp với khổ sách, ngôn ngữ và loại hình tài liệu), người sử dụng tiếp cận tài liệu thư viện thông qua cán bộ thư viện.
b) Tài liệu số được tổ chức dưới dạng cơ sở dữ liệu;
c) Tài liệu đa phương tiện được tổ chức thành kho/phòng đọc riêng đi kèm với trang thiết bị chuyên dụng phù hợp.
3. Việc tổ chức tài liệu trong thư viện phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Khoa học, phù hợp với quy mô, loại hình, nội dung vốn tài liệu, mục đích sử dụng và đối tượng người sử dụng;
b) Bảo đảm thuận lợi cho việc phục vụ người sử dụng và bảo quản, giữ gìn an toàn cho tài liệu.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ngân hàng Hỏi - Đáp Pháp luật đối với thắc mắc của bạn về các hình thức tổ chức tài liệu thư viện. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề, bạn vui lòng xem thêm tại Thông tư 18/2014/TT-BVHTTDL.
Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật