Nhiệm vụ và quyền hạn của học viện hành chính quốc gia gồm những gì?
Nhiệm vụ và quyền hạn của học viện hành chính quốc gia được quy định tại Điều 2 Quyết định 05/2018/QĐ-TTg về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành (có hiệu lực ngày 15/03/2018), theo đó:
Học viện Hành chính Quốc gia (sau đây gọi tắt là Học viện) có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức:
a) Giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ tổ chức thực hiện chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về hành chính và quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước;
b) Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, vị trí việc làm.
c) Bồi dưỡng năng lực, kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý;
d) Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hành chính, quản lý nhà nước cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
đ) Đồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức;
e) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ theo tiêu chuẩn của ngành Nội vụ; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyên ngành, lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ;
g) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng, công tác tôn giáo;
h) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ quản trị hành chính; bồi dưỡng viên chức theo hạng và chức danh nghề nghiệp; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức trong diện quy hoạch từ cấp huyện và tương đương trở lên do cấp có thẩm quyền giao;
i) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức cấp xã và các đối tượng khác do cấp có thẩm quyền giao;
k) Bồi dưỡng kỹ năng hành chính, quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, người lãnh đạo, quản lý và đối tượng khác trong doanh nghiệp nhà nước;
l) Tham gia nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu, chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ và ngành Nội vụ; nghiên cứu, đề xuất phương hướng đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng phù hợp với đặc thù và yêu cầu của ngành Nội vụ;
m) Bồi dưỡng về hành chính, quản lý nhà nước, chính sách công và phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác trên phạm vi cả nước.
2. Đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
3. Về nghiên cứu khoa học:
a) Nghiên cứu khoa học hành chính, quản lý nhà nước và khoa học chính sách phục vụ công tác giảng dạy của Học viện;
b) Nghiên cứu cung cấp các luận cứ khoa học về cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, chính sách công, chiến lược, biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhằm cập nhật nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đào tạo sau đại học của Học viện;
c) Tham gia xây dựng các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước khi được cấp có thẩm quyền giao.
4. Tham gia với các đơn vị của Bộ Nội vụ xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch, quy chế và các văn bản quy phạm pháp luật khi được cấp có thẩm quyền giao.
5. Tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao và theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
6. Quản lý phôi và cấp các loại văn bằng, chứng chỉ thuộc lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của Học viện theo quy định của pháp luật.
7. Thực hiện công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện theo phân công của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và theo quy định của pháp luật.
8. Hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học hành chính, quản lý nhà nước và các lĩnh vực liên quan.
9. Xuất bản và phát hành tạp chí, bản tin, các ấn phẩm khoa học, giáo trình, tài liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học hành chính và quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
10. Quyết định và chỉ đạo thực hiện Chương trình cải cách hành chính đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc Học viện và các tổ chức khác theo chỉ đạo hoặc phân công của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
11. Thực hiện công tác kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong các lĩnh vực hoạt động của Học viện và theo quy định của pháp luật.
12. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và số người làm việc; thực hiện các chế độ, chính sách; đào tạo, bồi dưỡng; thi đua, khen thưởng và kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động của Học viện theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
13. Quản lý tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật.
14. Cung cấp dịch vụ công, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của cấp có thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn về nhiệm vụ và quyền hạn của học viện hành chính quốc gia. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Quyết định 05/2018/QĐ-TTg. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật