Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành Giao thông vận tải
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 47/2013/TT-BGTVT quy định về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành thì nội dung này được quy định như sau:
Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật là quy định của Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là văn bản quy phạm pháp luật) phù hợp với từng nhóm đối tượng quy định tại Điều 5 của Thông tư này, cụ thể như sau:
1. Đối với đối tượng thuộc nhóm 1
a) Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công chức, viên chức, người lao động; các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước; chế độ công vụ, công chức, viên chức; các quy định về thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy chế tiếp công dân; các quy định về cải cách hành chính; các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
b) Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải; đặc biệt là các quy định về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông vận tải.
2. Đối với đối tượng thuộc nhóm 2
a) Đối với các trường trực thuộc Bộ, các Tổng cục, Cục thuộc Bộ, các Sở Giao thông vận tải:
Phổ biến và lồng ghép vào môn học pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành giao thông vận tải, gắn với từng ngành nghề chuyên môn và nội dung đào tạo.
b) Đối với các trường thuộc các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân:
Phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa để phổ biến nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.
3. Đối với đối tượng thuộc nhóm 3
Tập trung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật quy định về trật tự, an toàn giao thông, pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông vận tải đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách.
4. Đối với đối tượng thuộc nhóm 4
Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không; đặc biệt chú trọng pháp luật về an toàn giao thông, bảo vệ hành lang an toàn giao thông, pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông vận tải cho người tham gia giao thông và các đối tượng khác liên quan.
5. Nội dung pháp luật chuyên ngành cần phổ biến, giáo dục cho các đối tượng
a) Về lĩnh vực đường bộ: Luật Giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ: các văn bản quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quản lý về phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; các quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giao thông đường bộ; các quy định về quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên và các quy định khác có liên quan;
b) Về lĩnh vực hàng hải: Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hàng hải Việt Nam: các văn bản quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải; các quy định về an toàn, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên và các quy định khác có liên quan;
c) Về lĩnh vực hàng không: Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam: các văn bản quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông hàng không; các quy định về an toàn, an ninh hàng không và bảo vệ môi trường; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không; các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên và các quy định khác có liên quan;
d) Về lĩnh vực đường thủy nội địa: Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa: các văn bản quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa và bảo vệ môi trường; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên và các quy định khác có liên quan;
đ) Về lĩnh vực đường sắt: Luật Đường sắt và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt: các văn bản quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; các quy định về an toàn giao thông đường sắt và bảo vệ môi trường; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt; các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên và các quy định khác có liên quan.
Trên đây là nội dung tư vấn về Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành Giao thông vận tải. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 47/2013/TT-BGTVT.
Trân trọng!