Quy trình đo lường khán giả truyền hình gồm những bước nào?
Quy trình đo lường khán giả truyền hình được quy định tại Điều 5 Thông tư 37/2016/TT-BTTTT quy định về quy trình, thủ tục công bố số liệu đo lường khán giả truyền hình phục vụ đánh giá hiệu quả nội dung truyền hình do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, theo đó:
1. Thực hiện khảo sát cơ bản
Khảo sát cơ bản được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn trực diện, theo cấu trúc bảng hỏi để thu thập những thông tin cơ bản của các hộ gia đình tại khu vực điều tra. Khảo sát cơ bản phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc phân bổ mẫu, chọn mẫu ngẫu nhiên, quy mô mẫu đo lường khán giả truyền hình tối thiểu gấp năm (05) lần số lượng mẫu đo lường hộ gia đình trong phạm vi đo lường khán giả truyền hình để đảm bảo độ chính xác và tin cậy.
2. Thiết kế mẫu đo lường và tuyển chọn hộ gia đình
Thiết kế mẫu đo lường hộ gia đình để tính toán và phân bổ số lượng hộ gia đình đáp ứng được tiêu chí trong phạm vi đo lường khán giả truyền hình. Mẫu đo lường hộ gia đình được tuyển chọn phải đảm bảo được tính đại diện dựa trên các tiêu chí có ảnh hưởng đến mức độ và thói quen xem truyền hình của hộ gia đình, bao gồm các tiêu chí:
a) Quy mô hộ (số người trong hộ gia đình);
b) Thành phần kinh tế - xã hội của hộ gia đình;
c) Số lượng máy thu hình của hộ gia đình;
d) Loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình hộ gia đình sử dụng.
3. Thu thập dữ liệu đo lường khán giả phù hợp mẫu đo lường
a) Dữ liệu đo lường khán giả xem truyền hình từ hộ gia đình gồm các thông tin về hộ gia đình, thông tin về người xem tại hộ gia đình đó tương ứng với nội dung xem trên máy thu tín hiệu truyền hình và thời gian, thời điểm xem được cập nhật tự động, liên tục hàng ngày về trung tâm xử lý dữ liệu đo lường khán giả truyền hình để tổng hợp và phân tích;
b) Nguồn tín hiệu chuẩn để nhận dạng kênh chương trình truyền hình, chương trình truyền hình phải lấy từ tổng khống chế hoặc các điểm tiếp nhận tín hiệu từ đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình để đảm bảo chất lượng tín hiệu.
4. Phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu đo lường khán giả
a) Dữ liệu đo lường khán giả truyền hình nhận được từ hộ gia đình phải được xử lý như sau:
a) Lọc dữ liệu để phát hiện, loại bỏ các dữ liệu không hợp lý ảnh hưởng đến kết quả đo lường khán giả truyền hình;
b) Dữ liệu sau lọc được kết hợp với các thông tin liên quan đến đặc điểm nhân khẩu học của hộ gia đình, thông tin về hạ tầng truyền dẫn và các thông tin cần thiết khác để phân tích khán giả truyền hình;
c) Bổ sung quy cách, hoàn chỉnh dữ liệu trước khi sử dụng phần mềm phân tích các chỉ số đo lường khán giả truyền hình trong phạm vi đo lường khán giả truyền hình.
5. Lập báo cáo số liệu
Báo cáo số liệu được lập bằng công cụ phần mềm phải đảm bảo có đủ các chỉ số theo kênh chương trình truyền hình, chương trình trong kênh chương trình truyền hình thuộc phạm vi đo lường khán giả truyền hình, như sau:
a) Chỉ số khán giả truyền hình;
b) Chỉ số thị phần khán giả truyền hình;
c) Chỉ số độ phủ khán giả truyền hình.
Trên đây là tư vấn về quy trình đo lường khán giả truyền hình. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 37/2016/TT-BTTTT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật