Trách nhiệm của các bên liên quan đến tra nạp nhiên liệu hàng không cho tàu bay là gì?

Trách nhiệm của các bên liên quan đến tra nạp nhiên liệu hàng không cho tàu bay được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Hoàng Khải. Tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến việc bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không. Trong quá trình tìm hiểu, tôi nhận thấy đã có sự thay đổi của pháp luật liên quan đến vấn đề này. Tôi đang có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, theo quy định mới thì trách nhiệm của các bên liên quan đến tra nạp nhiên liệu hàng không cho tàu bay được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Hoàng Khải (hoangkhai*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 31 Thông tư 04/2018/TT-BGTVT về quy định việc bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 15/04/2018 thì trách nhiệm của các bên liên quan đến tra nạp nhiên liệu hàng không cho tàu bay được quy định cụ thể như sau:

- Trách nhiệm của người khai thác cảng hàng không, sân bay

+ Phải quy định luồng, tuyến và thứ tự tiếp cận phục vụ tàu bay của trang thiết bị mặt đất.

+ Phải xây dựng phương án đảm bảo an toàn tra nạp trong trường hợp tràn nhiên liệu, cháy, nổ khi tra nạp; đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện, nhân sự phục vụ cứu hỏa và xử lý, khắc phục sự cố liên quan đến công tác tra nạp.

+ Công ty tra nạp nhiên liệu hàng không phối hợp với người khai thác tàu bay để xây dựng vị trí, phương án tra nạp nhiên liệu hàng không lên tàu bay, thứ tự hoạt động, hướng tiếp cận và các quy định khác nhằm đảm bảo công tác an toàn tra nạp nhiên liệu hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

- Trách nhiệm của nhân viên tra nạp

+ Phải nắm vững quy trình tra nạp, sử dụng các trang thiết bị tra nạp và các yêu cầu về an toàn khi tra nạp nhiên liệu hàng không lên tàu bay.

+ Phải nắm vững các quy định về hướng tiếp cận, tốc độ tiếp cận tàu bay; đảm bảo sự phối hợp với nhân viên điều khiển phương tiện tra nạp trong quá trình tiếp cận tra nạp và thoát ly khỏi tàu bay; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ với nhân viên kỹ thuật trong quá trình tra nạp lên tàu bay, hút nhiên liệu hàng không khỏi tàu bay.

+ Phải có kiến thức về an toàn phòng cháy chữa cháy. Phải có kiến thức xử lý rò rỉ, tràn nhiên liệu trong quá trình tra nạp nhiên liệu hàng không.

- Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tra nạp

+ Phải di chuyển trên sân đỗ với tốc độ: không quá 05 km/h trong khu vực an toàn cho tàu bay ở mặt đất; không quá 30 km/h ngoài khu vực an toàn cho tàu bay ở mặt đất và tuân theo quy định tại tài liệu khai thác sân bay của người khai thác cảng hàng không đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

+ Phải tiếp cận tàu bay theo hướng tiến với góc tiếp cận, bảo đảm không va chạm với tàu bay khi bị hỏng phanh. Trường hợp phải lùi xe để tiếp cận tàu bay, phải có người hướng dẫn lùi xe cho đến khi dừng hẳn; xe tra nạp kiểu sơ-mi rơ-moóc, xe tra nạp kéo theo rơ-moóc xi téc không được lùi để tiếp cận tàu bay; phải kiểm tra phanh xe khi rời khỏi vị trí chờ đỗ và khi tiếp cận vị trí đỗ tàu bay (cách 15 m từ vị trí tàu bay đỗ).

+ Không được sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe và đang thực hiện tra nạp.

+ Khi xe đỗ tại vị trí tra nạp, người lái xe không được rời khỏi buồng lái khi chưa sử dụng phanh dừng đỗ.

- Trách nhiệm của nhân viên kỹ thuật tàu bay hoặc người chỉ huy tàu bay

+ Phải thông báo cho nhân viên tra nạp biết nếu các cánh tà trước hoặc cánh tà sau được mở khi tra nạp đã bắt đầu.

+ Nếu các cánh tà trước và sau vẫn mở, phải hỗ trợ khi phương tiện tra nạp vào vị trí tra nạp và khi di chuyển ra khỏi tàu bay.

Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm của các bên liên quan đến tra nạp nhiên liệu hàng không cho tàu bay. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 04/2018/TT-BGTVT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào