Thủ tục tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam
Thủ tục tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam được quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư 19/2014/TT-BTC quy định thủ tục tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng xe ô tô, hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:
a) Địa điểm làm thủ tục
a1) Thủ tục tạm nhập khẩu xe ô tô thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu (nơi xe ô tô được vận chuyển từ nước ngoài đến cửa khẩu). Riêng đối với trường hợp tạm nhập khẩu xe ô tô qua cửa khẩu đường bộ thì thủ tục tạm nhập khẩu xe ô tô tại cửa khẩu quốc tế.
a2) Thủ tục tạm nhập khẩu xe gắn máy thực hiện tại Chi cục Hải quan theo quy định của pháp luật.
b) Thủ tục tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy theo thực hiện theo quy định hiện hành đối với hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.
c) Chi cục Hải quan cửa khẩu chỉ thông quan khi có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe ô tô), giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe gắn máy của cơ quan kiểm tra chất lượng.
d) Kết thúc thủ tục thông quan đối với xe ô tô, xe gắn máy, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu xác nhận:
d.1) Nội dung “ô tô, xe gắn máy tạm nhập khẩu” vào góc bên phải tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu phi mậu dịch (HQ/2011-PMD);
d.2) Kết quả làm thủ tục tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy vào 02 bản giấy tạm nhập khẩu xe.
Trả cho đối tượng tạm nhập khẩu xe 01 giấy tạm nhập khẩu xe và 01 tờ khai HQ/2011-PMD (bản người khai lưu) để làm các thủ tục đăng ký lưu hành xe và 01 bản sao từ bản chính (bản người khai lưu) có ký tên, đóng dấu xác nhận của Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập và đóng dấu dùng cho “tái xuất hoặc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật” để làm thủ tục tái xuất khẩu hoặc chuyển nhượng theo quy định; sao gửi giấy phép tạm nhập khẩu, tờ khai có xác nhận của Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy tạm nhập khẩu để theo dõi, quản lý và truyền dữ liệu thông tin về tờ khai tạm nhập khẩu xe về Tổng cục Hải quan để quản lý thông tin tập trung, không cấp tờ khai nguồn gốc đối với xe ô tô, xe gắn máy tạm nhập khẩu;
Ngoài ra, Ban biên tập thông tin thêm đến bạn những đối tượng được áp dụng theo quy định này, cụ thể:
1. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập theo quy định tại các Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 73/CP ngày 30 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ.
2. Viên chức ngoại giao thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, viên chức lãnh sự thuộc cơ quan lãnh sự, viên chức thuộc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
3. Nhân viên hành chính kỹ thuật thuộc cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ trên nguyên tắc có đi có lại giữa nhà nước Việt Nam và nước cử; nhân viên thuộc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
4. Tổ chức, cá nhân Việt Nam nhận chuyển nhượng xe ô tô tạm nhập khẩu của các đối tượng nêu tại khoản 1, 2 và 3 nêu trên (dưới đây gọi tắt là người mua xe).
5. Cơ quan Hải quan.
Trên đây là nội dung quy định về thủ tục tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 19/2014/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật