Xử lý và phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm đối với hệ sinh thái cỏ biển
Căn cứ theo Điều 32 Thông tư 23/2010/TT-BTNMT quy định về điều tra khảo sát, đánh giá hệ sinh thái san hô, cỏ biển và đất ngập nước vùng ven biển và hải đảo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thì việc xử lý và phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm đối với hệ sinh thái cỏ biển được thực hiện như sau:
1. Đối với mẫu nước biển
a) Đưa nhiệt độ mẫu nước về nhiệt độ phòng thí nghiệm trước khi tiến hành phân tích, đo đạc;
b) Kiểm tra, xem xét mức độ nguyên vẹn của mẫu, loại bỏ mẫu không đạt yêu cầu hoặc khôi phục lại các sai sót trong quá trình vận chuyển, bảo quản (nếu có thể);
c) Trộn kỹ mẫu nước trước khi tiến hành phân tích;
d) Thực hiện nghiêm túc từng công đoạn trong quy trình phân tích đối với mỗi thông số cần phân tích;
đ) Ghi lại các hiện tượng bất thường (nếu có) vào sổ tay phân tích;
e) Kiểm tra, đánh giá về độ chính xác của các kết quả phân tích.
2. Đối với mẫu trầm tích hoặc đất nền đáy thảm cỏ biển
Việc xác định cấp phối hạt trầm tích được thực hiện trong phòng thí nghiệm bằng phương pháp phân đoạn kích thước thành phần hạt (Phương pháp do J.B Buchanan đưa ra năm 1984).
3. Đối với mẫu cỏ biển:
a) Phân loại, xác định các đặc trưng hình thái của cỏ biển;
b) Rửa sạch bùn cát hay mảng bám trên mẫu vật. Trường hợp các mảng bám carbonate hay mảng bám thực vật biểu sinh không thể loại bỏ ra khỏi mẫu vật bằng tay thì có thể ngâm mẫu vật trong dung dịch axit phosphoric 5% trong khoảng 10 – 15 phút (hoặc đến khi dung dịch ngừng sủi tăm), sau đó rửa sạch dưới vòi nước;
c) Phân loại mẫu vật theo các loại cỏ. Hầu hết các đặc trưng hình thái của cỏ biển có thể quan sát bằng mắt thường hoặc đo đạc thông qua các thiết bị đo đạc thông thường; có thể sử dụng kính phóng đại hỗ trợ quá trình quan sát, đo đạc;
d) Đếm tổng số nhánh đối với mỗi loại, thấm khô và cân (cân ướt);
đ) Đo chiều cao của ít nhất 10 nhánh cỏ (cm) đối với mỗi loại và tính trị số bình quân;
e) Xác định sinh khối cỏ biển:
- Đối với mỗi loại cỏ biển, phân tách phần lá, phần thân rễ và phần rễ, làm khô và cân mỗi phần (cân ướt);
- Xác định trọng lượng khô của mỗi phần (lá, thân, rễ): đặt từng phần mẫu cỏ biển sau khi đã phân tách vào từng túi giấy riêng biệt và sấy khô trong lò sấy ở nhiệt độ 40 – 50 oC cho đến khi có trọng lượng cố định (cân khô). Trường hợp không có lò sấy, có thể sử dụng dụng cụ ép mẫu cỏ cùng với giấy báo, ép mẫu cỏ và đặt vào chỗ khô, ấm, không có ánh sáng chiếu trực tiếp trong thời gian tối thiểu là 2 tuần (tốt nhất sau khoảng 2 – 3 ngày thay giấy báo một lần);
- Lấy 10 gam mẫu đã khô, nung ở nhiệt độ 555 oC trong ít nhất 5 tiếng để xác định sinh khối của mẫu bao gồm: mật độ và khối lượng cỏ biển.
4. Đối với mẫu sinh vật:
a) Sử dụng khóa phân loại sinh vật, tiến hành phân loại các loài thực vật, động vật thu được;
b) Đối với các loài thực vật: đo đạc, xác định các đặc trưng các chỉ tiêu về hình thái, cấu trúc các bộ phận;
c) Đối với các loài cá, tôm, cua: đo đạc, xác định các đặc trưng cơ bản theo mỗi loại;
d) Xác định các thông số, chỉ tiêu khác của mẫu sinh vật theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật chuyên ngành hiện hành.
Trên đây là nội dung quy định về việc xử lý và phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm đối với hệ sinh thái cỏ biển. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 23/2010/TT-BTNMT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật