Công đoạn kiểm đếm tiền in, đúc hỏng được tiến hành ra sao?
Ngày 07/01/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 02/2014/TT-NHNN quy định về tiêu hủy tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng, kim loại đúc tiền hỏng.
Theo đó, công đoạn kiểm đếm tiền in, đúc hỏng là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 12 Thông tư 02/2014/TT-NHNN. Cụ thể như sau:
1. Tổ trưởng Tổ kiểm đếm nhận tiền in, đúc hỏng của Tổ giao nhận theo trình tự quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 11 Thông tư này.
2. Tiền in hỏng được kiểm đếm bằng máy đếm tiền hoặc đếm bằng tay đối với số tiền bị bết dính. Giấy in tiền hỏng được đếm bằng tay, hai người cùng đếm hai đầu góc của gói giấy in tiền. Tiền đúc hỏng, kim loại đúc tiền hỏng được kiểm đếm bằng máy đếm tiền hoặc đếm bằng tay đối với số tiền bị hoen gỉ, bết cục.
3. Thực hiện kiểm đếm, xác định số lượng, chủng loại tiền in, đúc hỏng:
Đối với tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng: cắt dây buộc bó tiền để kiểm đếm hình, tờ (không được làm rách niêm phong); kiểm đếm xong, nếu đủ số lượng, chủng loại mới xé niêm phong cũ;
Đối với tiền đúc hỏng, kim loại đúc tiền hỏng: mở thùng, hộp tiền kim loại (không làm rách niêm phong); cắt giấy quấn thỏi tiền kim loại, kiểm đếm miếng; kiểm đếm xong nếu đủ số lượng, chủng loại mới xé niêm phong cũ.
4. Trường hợp có thừa, thiếu, nhầm lẫn, xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này.
5. Đóng bó (gói, túi, bao) và niêm phong mới:
a) Đối với tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng
Đối với tiền in hỏng: 100 hình xếp thành một thếp, 10 thếp đóng thành 01 bó. Đối với giấy in tiền hỏng: 500 tờ to xếp thành 1 gói.
Dùng đoạn dây không có nối, buộc một vòng ngang, một vòng dọc bó, gói tiền; dán niêm phong mới đè lên nút buộc, niêm phong ghi đầy đủ các yếu tố: ngày, tháng, năm; loại tiền; số lượng; họ tên, chữ ký người kiểm đếm. Trường hợp không đủ số lượng để đóng bó, gói thì niêm phong theo số lượng thực tế;
b) Đối với tiền đúc hỏng, kim loại đúc tiền hỏng
1.000 miếng đóng vào một túi vải, 10 túi đóng vào 01 bao. Dùng đoạn dây không có nối buộc chặt miệng túi, đầu bao và dán niêm phong đè lên nút buộc (tách riêng để 2 đầu dây cách nhau), niêm phong ghi đầy đủ các yếu tố: ngày, tháng, năm loại tiền; số lượng; họ tên, chữ ký người kiểm đếm. Trường hợp không đủ số lượng để đóng túi, bao thì niêm phong theo số lượng thực tế.
6. Xuất giao tiền in, đúc hỏng đã kiểm đếm cho Tổ cắt hủy.
7. Lập biên bản giao nhận giữa Tổ kiểm đếm và Tổ cắt hủy có xác nhận của giám sát viên tại từng tổ(theo Mẫu biểu số 07 đính kèm Thông tư này).
8. Cuối ngày, số tiền in, đúc hỏng chưa kiểm đếm hết phải được cho vào lồng sắt có khóa, niêm phong (ghi rõ tiền in, đúc hỏng chưa kiểm đếm hết; ngày, tháng năm; tên tổ gửi; loại tiền; số lượng; họ tên, chữ ký người gửi; chữ ký xác nhận của giám sát viên tại Tổ kiểm đếm), vào sổ giao nhận (theo Mẫu biểu số 06 đính kèm Thông tư này) và gửi vào kho tiêu hủy để bảo quản.
Số tiền in, đúc hỏng đã kiểm đếm nhưng chưa giao hết cho Tổ cắt hủy phải được cho vào lồng sắt có khóa, niêm phong (ghi rõ tiền in, đúc hỏng đã kiểm đếm nhưng chưa giao cho Tổ cắt hủy; ngày, tháng năm; tên tổ; loại tiền; số lượng; họ tên, chữ ký Tổ trưởng; chữ ký xác nhận của giám sát viên tại Tổ kiểm đếm), lập biên bản giao nhận (theo Mẫu biểu số 08 đính kèm Thông tư này) và bàn giao lại cho Hội đồng tiêu hủy.
9. Lập biên bản kết quả kiểm đếm trong ngày gửi Hội đồng tiêu hủy có chữ ký của giám sát viên tại tổ(theo Mẫu biểu số 12 đính kèm Thông tư này).
Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ngân hàng Hỏi - Đáp Pháp luật đối với thắc mắc của bạn về công đoạn kiểm đếm tiền in, đúc hỏng. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề, bạn vui lòng xem thêm tại Thông tư 02/2014/TT-NHNN.
Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật