Điều tra, khảo sát chi tiết hệ sinh thái san hô
Căn cứ theo Điều 22 Thông tư 23/2010/TT-BTNMT quy định về điều tra khảo sát, đánh giá hệ sinh thái san hô, cỏ biển và đất ngập nước vùng ven biển và hải đảo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thì việc điều tra, khảo sát chi tiết hệ sinh thái san hô được thực hiện như sau:
1. Các thông số chung về rạn san hô cần quan sát, ghi chép trong quá trình điều tra, khảo sát hệ sinh thái san hô quy định tại bảng 4.1.
Bảng 4.1 Các thông số chung về rạn san hô cần quan sát, ghi chép
Đặc trưng sinh vật sống |
Tầng đáy |
Các thông số khác |
San hô cứng sống |
Cát |
Địa mạo |
San hô mềm |
Bùn |
Độ trong suốt của nước |
Tảo lớn |
Đá gốc |
Độ sâu |
Hải miên, sinh vật xốp dưới biển |
Đá vụn, cuội sỏi |
Tình trạng thời tiết (gió,mây) |
|
San hô chết |
Tình trạng mặt biển (biển lặng, biển động...) |
2. Xác định cụ thể các mặt cắt để tiến hành khảo sát chi tiết trên cơ sở tổng kết, đánh giá sơ bộ công tác khảo sát tổng thể rạn san hô. Mặt cắt tiến hành khảo sát chi tiết bao gồm mặt cắt dọc và mặt cắt ngang rạn. Số lượng mặt cắt dọc rạn được chọn tùy theo độ rộng của rạn nhưng không ít hơn 1 mặt cắt. Số lượng mặt cắt ngang của rạn được chọn tùy theo độ dài của rạn nhưng không ít hơn 3 mặt cắt.
3. Trải dây mặt cắt:
a) Đối với mặt cắt dọc, trải dây mặt cắt 100 m song song với đường đẳng sâu ở độ sâu 2 – 6 m. Trường hợp có nhiều mặt cắt dọc, trải dây mặt cắt 100 m theo các đường đẳng sâu, bắt đầu ở độ sâu 2 – 6 m và chênh lệch độ sâu giữa các mặt cắt dọc là 4 – 6 m. Kiểm tra lại dây đã trải và ghim dây mặt cắt vào san hô tránh tình trạng dây mặt cắt bị nổi lên mặt nước hoặc đung đưa theo nước. Dùng 2 phao buộc vào 2 đầu dây thả nổi trên mặt nước để làm mốc xác định vị trí của dây mặt cắt dọc;
b) Đối với các mặt cắt ngang, sử dụng dây (dài 50 m) và phao để thiết lập các mặt cắt ngang vuông góc với rạn san hô. Tiến hành kiểm tra, ghim dây và thiết lập các phao tương tự như đối với trải dây mặt cắt dọc.
4. Đội trưởng khảo sát thống nhất về các vị trí tuyến, vị trí đặt Quadrat, thông báo độ sâu điểm lặn, số lượng mẫu cần lấy; thông báo những điểm cần lưu ý khi điều tra, khảo sát hệ sinh thái san hô.
5. Điều tra viên thực hiện việc lặn biển theo các quy định chuyên môn hiện hành; di chuyển dọc theo dây mặt cắt đã trải, quan sát bên trái và bên phải (phạm vi 5 m); thời gian nghiên cứu trên mỗi mặt cắt trung bình từ 30 – 35 phút tùy thuộc vào chiều rộng của rạn; quay phim, chụp ảnh; đánh dấu những tập đoàn san hô xuất hiện trên tuyến trình quan sát; ngừng di chuyển, quan sát, mô tả, ghi chép về hình thái, cấu trúc, loại rạn, độ che phủ tương ứng và thực trạng phát triển; khi đã hoàn tất việc điều tra, khảo sát trên mặt cắt, quan sát, ghi nhận thêm những thông tin bổ sung.
6. Đặt khung chuẩn, kính phóng đại ở các mốc 5 m, 25 m, 45 m dọc theo đường mặt cắt ngang. Ghi ký hiệu theo mặt cắt khảo sát lên nhãn, đặt nhãn ký hiệu ảnh chụp cạnh khung.
7. Chụp ảnh mẫu trong khung chuẩn (bao gồm cả phần nhãn để nhận biết vị trí của khung). Chụp ảnh tại vị trí đặt khung chuẩn; đo đạc các yếu tố phục vụ tính toán, xác định hình thái, chiều cao, độ phân nhánh của mẫu san hô trong khung chuẩn. Yêu cầu ảnh chụp phải vuông góc với bề mặt mẫu.
8. Mô tả, quan sát, ghi chép về thành phần, mật độ các loài (khu hệ các mô sinh vật sống, các loài tảo) trong phạm vi khảo sát.
9. Quan sát, quan trắc, đo đạc địa hình các kiểu rạn san hô trên các mặt cắt.
10. Đánh giá về độ phủ, chiều cao san hô tại các điểm khảo sát dựa trên biểu mẫu xác định phần trăm độ bao phủ.
11. Hoàn tất toàn bộ thông tin phiếu điều tra.
Trên đây là nội dung quy định về việc điều tra, khảo sát chi tiết hệ sinh thái san hô. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 23/2010/TT-BTNMT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật