Một giống cây trồng được xem là có tính khác biệt khi nào?
Giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.
Theo quy định tại Điều 160 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 thì tính khác biệt của giống cây trồng được quy định cụ thể như sau:
- Giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên.
- Giống cây trồng được biết đến rộng rãi quy định tại khoản 1 Điều 160 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 là giống cây trồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ;
+ Giống cây trồng đã được bảo hộ hoặc đưa vào Danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào;
+ Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ hoặc đơn đăng ký vào Danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối.
Trên đây là nội dung tư vấn về tính khác biệt của giống cây trồng. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật