Quyền kinh doanh, tổ chức kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Theo quy định tại Điều 11 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 11/2018/NĐ-CP ngày 16/01/2018 thì quyền kinh doanh và tổ chức kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được quy định cụ thể như sau:
- Tổ chức sản xuất, kinh doanh; tổ chức bộ máy quản lý theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh và bảo đảm kinh doanh có hiệu quả.
- Kinh doanh những ngành, nghề, lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều 4 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 11/2018/NĐ-CP ngày 16/01/2018 và những ngành nghề khác theo quyết định của chủ sở hữu nhà nước; mở rộng quy mô kinh doanh theo khả năng, nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật.
- Chủ trì điều hành khai thác vận tải đối với các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải trên đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật.
- Quyết định giá mua, giá bán sản phẩm, dịch vụ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trừ những giá sản phẩm, dịch vụ công ích trình cấp có thẩm quyền quyết định.
- Quyết định các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định khác có liên quan; sử dụng vốn, tài sản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để liên doanh, liên kết, góp vốn vào doanh nghiệp khác; thuê, mua một phần hoặc toàn bộ công ty khác trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
- Sử dụng phần vốn nhà nước thu về từ cổ phần hóa, nhượng bán một phần hoặc toàn bộ vốn mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đầu tư ở đơn vị trực thuộc, công ty con hoặc công ty liên kết theo quy định của pháp luật.
- Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đối với đơn vị trực thuộc; quyết định đầu tư thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu đối với công ty con sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
- Quyết định góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại các doanh nghiệp khác; tiếp nhận doanh nghiệp tự nguyện tham gia làm công ty con, công ty liên kết sau khi được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương.
- Quyết định các hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác theo quy định của pháp luật.
- Tuyển chọn, ký kết hợp đồng lao động; bố trí, sử dụng, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động; lựa chọn hình thức trả lương, thưởng cho người lao động trên cơ sở hiệu quả sản xuất, kinh doanh và các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, tiền công.
- Xây dựng, ban hành, áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức lao động, đơn giá tiền lương, chi phí khác để áp dụng chung trong nội bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh doanh và phù hợp với quy định của pháp luật.
- Các quyền khác theo quy định pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về quyền kinh doanh và tổ chức kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 11/2018/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật