Trách nhiệm và quyền hạn của Kiểm toán viên thuộc doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán

Trách nhiệm và quyền hạn của Kiểm toán viên thuộc doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Tiến Quân, gần đây tôi đang tìm hiểu quy định của pháp luật về ủy thác và thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán tại đơn vị, doanh nghiệp. Nhưng có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là trách nhiệm và quyền hạn của Kiểm toán viên thuộc doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!

Trách nhiệm và quyền hạn của Kiểm toán viên thuộc doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán được quy định tại Điều 14  Quyết định 09/2017/QĐ-KTNN về Quy chế ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán do Kiểm toán nhà nước ban hành, cụ thể như sau:

1. Kiểm toán viên thuộc doanh nghiệp kiểm toán được thuê khi thực hiện kiểm toán có trách nhiệm và quyền hạn sau:

1.1. Trách nhiệm:

a) Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng tổ kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được phân công; đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán trên cơ sở thu thập đầy đủ và đánh giá các bằng chứng kiểm toán thích hợp.

b) Tuân thủ pháp luật, nguyên tắc hoạt động, chuẩn mực, quy trình Kiểm toán nhà nước, quy tắc ứng xử của kiểm toán viên và các quy định khác có liên quan của Kiểm toán nhà nước.

c) Chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước và trước pháp luật về những bằng chứng, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị của mình.

d) Thu thập bằng chứng kiểm toán và các tài liệu làm việc khác theo quy định của Kiểm toán nhà nước.

đ) Giữ bí mật thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình kiểm toán.

e) Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Kiểm toán viên phải xuất trình giấy giới thiệu, giấy chứng nhận đăng ký hành nghề do Bộ Tài chính cấp và chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước.

f) Khai báo kịp thời và đầy đủ với người đứng đầu doanh nghiệp kiểm toán và người ra quyết định thành lập Đoàn kiểm toán khi có trường hợp quy định tại Điều 28 của Luật Kiểm toán nhà nước và các tình huống khác làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Kiểm toán viên.

g) Khi có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

1.2. Quyền hạn:

a) Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ.

b) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán; yêu cầu kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ của đơn vị được kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán.

c) Kiểm tra, xác nhận các thông tin kinh tế, tài chính có liên quan đến nội dung kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật và của Kiểm toán nhà nước.

d) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết có liên quan đến nội dung kiểm toán theo quy định của pháp luật và của Kiểm toán nhà nước.

đ) Quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và của Kiểm toán nhà nước.

2. Kiểm toán viên của doanh nghiệp được uỷ thác kiểm toán khi thực hiện kiểm toán có trách nhiệm và quyền hạn như trường hợp được thuê kiểm toán ở Mục 1 Điều 14 Quy chế này, đồng thời tuân thủ theo quy định tại Luật Kiểm toán độc lập và các chuẩn mực, quy trình được Kiểm toán nhà nước chấp nhận.

Trên đây là nội dung câu trả lời về trách nhiệm và quyền hạn của Kiểm toán viên thuộc doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này Bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 09/2017/QĐ-KTNN.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào