Hướng dẫn minh chứng và chấm điểm hồ sơ xét thăng hạn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I

Việc minh chứng và chấm điểm hồ sơ xét thăng hạn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Nguyễn Thị Ngọc Thảo. Hiện tại, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, việc minh chứng và chấm điểm hồ sơ xét thăng hạn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn! Nguyễn Thị Ngọc Thảo (ngocthao*****@gmail.com)

Theo quy định tại Mục I Phần A Phụ lục hướng dẫn minh chứng và chấm điểm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giám viên mầm non, phổ thông công lập ban hành kèm theo Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT ngày 30/11/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc minh chứng và chấm điểm hồ sơ xét thăng hạn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I được quy định cụ thể như sau:

- Nhiệm vụ (5,0 điểm)

Bao gồm biên bản ghi nhận xét, đánh giá của đại diện ban giám hiệu, các tổ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể trong trường có xác nhận của hiệu trưởng và các minh chứng (nếu có) dự báo về khả năng thực hiện được các nhiệm vụ của hạng I.

+ Tham gia biên tập hoặc biên soạn tài liệu liên quan đến phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, học sinh (1,0 điểm);

+ Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá, xét duyệt sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp (0,5 điểm);

+ Tham gia hướng dẫn, đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên (0,5 điểm);

+ Chủ trì các nội dung bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên đề của chương trình hoặc có Quyết định cử tham gia các đề tài, nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh trở lên (1,0 điểm);

+ Tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên cấp tỉnh (0,5 điểm);

+ Quyết định cử tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên trung học phổ thông dạy giỏi hoặc giáo viên trung học phổ thông chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh (0,5 điểm);

+ Tham gia bồi dưỡng, ra đề, chấm thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên (0,5 điểm);

+ Tham gia tổ chức, đánh giá các hội thi của học sinh từ cấp tỉnh trở lên (0,5 điểm).

- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng (20 điểm)

Bao gồm các minh chứng được quy định dưới đây và các minh chứng khác (nếu có) để tính điểm tăng thêm.

+ Bằng tốt nghiệp thạc sĩ trở lên đúng hoặc phù hợp với môn học giảng dạy trở lên; nếu là phó hiệu trưởng có thể thay thế bằng thạc sĩ quản lý giáo dục; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông nếu không có bằng đại học sư phạm (5 điểm);

+ Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc (5 điểm);

Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ thứ hai bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

+ Chứng chỉ trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (5 điểm);

+ Chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I (5 điểm).

- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ (75 điểm)

Bao gồm các minh chứng được quy định dưới đây và các minh chứng khác (nếu có) để tính điểm tăng thêm:

+ Biên bản ghi ý kiến của đại diện ban giám hiệu, các tổ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể trong trường nhận xét, đánh giá từng tiêu chí có xác nhận của hiệu trưởng và các minh chứng (nếu có) như các sản phẩm nghiên cứu, bài soạn, tài liệu liên quan về các nội dung sau: (55 điểm)

Chủ động tuyên truyền và vận động đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục trung học phổ thông (5 điểm);

Hướng dẫn được đồng nghiệp thực hiện kế hoạch, chương trình giáo dục trung học phổ thông (5 điểm);

Vận dụng sáng tạo và đánh giá được việc áp dụng những kiến thức về giáo dục học và tâm sinh lý lứa tuổi vào thực tiễn giáo dục học sinh trung học phổ thông của đồng nghiệp (15 điểm);

Vận dụng linh hoạt những kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế để định hướng hiệu quả nghề nghiệp học sinh trung học phổ thông (5 điểm);

Tích cực và chủ động, linh hoạt trong tổ chức và phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh trung học phổ thông (10 điểm);

Có khả năng vận dụng sáng tạo và phổ biến sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng từ cấp tỉnh trở lên (10 điểm);

Có khả năng hướng dẫn, đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên (5 điểm);

+ Giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua cấp tỉnh hoặc giáo viên trung học phổ thông dạy giỏi hoặc giáo viên trung học phổ thông chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh (15 điểm);

+ Quyết định bổ nhiệm vào hạng (trước đây là ngạch) hoặc các minh chứng khác để xác nhận thời gian giữ chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng II hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng II tối thiểu từ đủ 01 (một) năm trở lên (5 điểm).

Trên đây là nội dung tư vấn về việc minh chứng và chấm điểm hồ sơ xét thăng hạn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào