Đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm gì trong thực hiện công tác dân chủ?
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 53/2009/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy do Bộ Công an ban hành thì nội dung này được quy định như sau:
1. Sử dụng các lực lượng, phương tiện, biện pháp theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an để phòng ngừa nguy cơ phát sinh cháy và dập các đám cháy; kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh nguyên nhân, điều kiện gây cháy để xử lý theo quy định của pháp luật và tuyên truyền, hướng dẫn, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có biện pháp phòng cháy, chữa cháy hiệu quả.
2. Tiếp nhận và giải quyết đúng thời hạn theo quy định hồ sơ thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, hồ sơ cấp các loại giấy phép trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Trường hợp hồ sơ không đúng quy định thì chưa tiếp nhận và giải thích rõ lý do, đồng thời hướng dẫn bổ sung theo đúng quy định. Trường hợp đến thời hạn mà chưa giải quyết được vì nguyên nhân khách quan thì phải giải thích rõ lý do và hẹn ngày trả kết quả. Trường hợp do lỗi của đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thì Thủ trưởng đơn vị hoặc người được Thủ trưởng uỷ quyền phải xin lỗi và hẹn giải quyết trong thời gian sớm nhất.
3. Định kỳ 6 tháng, một năm, Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hoặc trực tiếp trao đổi cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở biết về tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn được phân công phụ trách, đồng thời kiến nghị, đề xuất biện pháp phòng cháy, chữa cháy cần tiếp tục triển khai.
Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm Đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong thực hiện công tác dân chủ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 53/2009/TT-BCA.
Trân trọng!