Quy định của pháp luật về quyết định thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
Quyết định thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được quy định tại Điều 26 Quyết định 1518/QĐ-BHXH năm 2016 quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và hoạt động kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cụ thể như sau:
- Căn cứ chương trình kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt hoặc theo yêu cầu thanh tra đột xuất; Thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra dự thảo quyết định thanh tra để trình người ra quyết định. Quyết định thanh tra bao gồm các nội dung sau:
+ Căn cứ pháp lý để thanh tra;
+ Phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ thanh tra;
+ Thời hạn thanh tra;
+ Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên của Đoàn thanh tra.
- Hồ sơ trình người có thẩm quyền phê duyệt và ký quyết định thành lập Đoàn thanh tra gồm:
+ Phiếu trình hoặc tờ trình đề xuất thành lập Đoàn thanh tra;
+ Quyết định thành lập Đoàn TTCN (Mẫu số 01/QĐ-TT) kèm theo danh sách các đơn vị là đối tượng thanh tra;
+ Báo cáo khảo sát, nắm tình hình (nếu có);
+ Hồ sơ, tài liệu khác có liên quan (nếu có).
- Đối với trường hợp thanh tra đột xuất thì ngoài những hồ sơ quy định tại Khoản 2, Điều này còn phải trình kèm theo hồ sơ sau:
+ Đối với thanh tra cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật: Bằng chứng liên quan đến dấu hiệu vi phạm pháp luật;
+ Đối với thanh tra theo đơn thư khiếu nại, tố cáo: Đơn thư khiếu nại tố cáo; thông tin, tài liệu thu thập qua xác minh về nội dung khiếu nại, tố cáo;
+ Đối với thanh tra theo chỉ đạo của người có thẩm quyền: Văn bản ghi ý kiến chỉ đạo của người có thẩm quyền.
- Đối với thanh tra lại các kết luận thanh tra thì dự thảo quyết định thanh tra phải trình kèm theo hồ sơ xác định vụ việc thuộc các trường hợp: Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong tiến hành thanh tra; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra; nội dung kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra; Trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật; có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.
- Trường hợp thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra cùng một đối tượng thì trong quyết định thanh tra phải nêu rõ các nội dung thanh tra, kiểm tra và thời gian tiến hành.
Trên đây là nội dung câu trả lời về quyết định thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 1518/QĐ-BHXH năm 2016.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật