Hướng dẫn làm giấy ủy quyền cho người thân rút tiền ngân hàng
Trên thực tế, để đảm bảo quyền lợi tuyệt đối cho khách hàng, các ngân hàng thường đề ra quy định về điều kiện được rút tiền gửi từ tài khoản rất nghiêm ngặt. Thông thường phải do chính chủ tài khoản mới được trực tiếp rút tiền hoặc thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản của người đó mở tại ngân hàng. Trường hợp không tự mình thực hiện được việc rút tiền hoặc thực hiện các giao dịch khác phải có giấy ủy quyền hợp lệ theo quy định pháp luật thì ngân hàng mới chấp nhận cho rút. Nên trường hợp người thân của chủ tài khoản đi rút tiền bị từ chối diễn ra rất nhiều tại các ngân hàng.
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn có đề cập đến việc yêu cầu Tòa án tuyên bố chị của bạn bị mất năng lực hành vi dân sự để người đại diện theo pháp luật của chị được thay mặt chị rút tiền từ tài khoản ngân hàng.
Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 quy định tường hợp một người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Căn cứ quy định này, chị của bạn chỉ bị hạn chế một số khả năng như viết do tại biến, đột quỵ, nhưng vẫn có khả năng nhận thức vấn đề và diễn đạt bằng lời nói nên không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự như quy định trên. Do vậy chị của bạn có thể toàn quyền thực hiện các giao rút tiền gửi tại ngân hàng. Tuy nhiên, do không thể ký hồ sơ giao dịch rút tiền gửi tại ngân hàng, chị của bạn có thể ủy quyền cho người khác để thực hiện giao dịch và khi thực hiện ủy quyền cần tuân theo một số quy định riêng.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 47 Luật công chứng 2014 quy định:
Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng.
Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng.
Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định.
Theo quy định này thì gia đình bạn có thể liên hệ văn phòng công chứng để tiến hành làm văn bản ủy quyền theo ý muốn của chị bạn và công chứng văn bản này đồng thời mời người làm chứng đến chứng kiến việc thực hiện ủy quyền cũng như ký tên xác nhận vào văn bản ủy quyền còn chị của bạn không trực tiếp ký tên được vào giấy ủy quyền thì sẽ được điểm chỉ theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 Luật công chứng 2014.
Bạn lưu ý một vấn đề là người làm chứng phải đáp ứng điều kiện từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng. Nếu gia đình không mời được người làm chứng thì việc mời người làm chứng sẽ do công chứng viên chỉ định.
Sau khi gia đình hoàn thành xong văn bản ủy quyền được công chứng theo quy định pháp luật. Người được ủy quyền có thể mang giấy ủy quyền và giấy tờ tùy thân đến ngân hàng để làm thủ tục rút tiền.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc thực hiện ủy quyền cho người thân đi rút tiền tại ngân hàng khi bị đột quỵ. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm các quy định cụ thể tại Luật công chứng 2014, Bộ luật dân sự 2015 và các văn bản liên quan.
Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật