Những chi phí cần thiết trong cưỡng chế thi hành án dân sự bao gồm những khoản chi phí nào?
Những chi phí cần thiết trong cưỡng chế thi hành án dân sự bao gồm những khoản chi phí quy định tại Khoản 1 Điều 43 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự. Cụ thể như sau:
- Chi phí họp bàn cưỡng chế do Chấp hành viên tổ chức họp với các cơ quan liên quan trước khi tiến hành cưỡng chế;
- Chi phí cưỡng chế trong trường hợp không thu được tiền của người phải thi hành án do tài sản kê biên không bán được theo quy định tại Khoản 3 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự; tài sản cưỡng chế theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm; tài sản bị cưỡng chế không còn hoặc bị mất giá trị sử dụng; người phải thi hành án phải giao, trả tài sản theo bản án, quyết định mà không có khả năng thanh toán chi phí cưỡng chế; người phải thi hành án phải thực hiện công việc nhất định bỏ đi khỏi nơi cư trú hoặc chết mà không còn tài sản để thanh toán chi phí cưỡng chế;
- Chi phí cho việc Chấp hành viên xác minh, xác định giá trị tài sản trước khi cưỡng chế để áp dụng biện pháp cưỡng chế tương ứng với nghĩa vụ phải thi hành án, chi phí cần thiết để áp dụng theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự;
- Các khoản chi cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ giấy tờ, tài liệu của người phải thi hành án mà không thu được tiền của người phải thi hành án để thanh toán chi phí;
- Chi phí cho việc bố trí phiên dịch, biên dịch trong trường hợp đương sự là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số của Việt Nam không biết tiếng Việt;
- Chi phí khi đang tiến hành tổ chức cưỡng chế nhưng phải đình chỉ theo quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm d, Điểm đ Khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự;
- Chi phí cưỡng chế đã thực hiện nếu cơ quan có thẩm quyền hủy việc cưỡng chế.
Trên đây là nội dung câu trả lời về những khoản chi phí cần thiết trong cưỡng chế thi hành án dân sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này Bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật