Thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án dân sự được quy định như thế nào?
Thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án dân sự được quy định tại Điều 22 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự. Cụ thể như sau:
- Chấp hành viên thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án theo định kỳ hàng ngày, tuần, tháng, quý hoặc năm tùy theo tính chất ngành nghề kinh doanh của người phải thi hành án.
Khi xác định mức tiền thu từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án, Chấp hành viên căn cứ vào kết quả kinh doanh trên cơ sở sổ sách, giấy tờ và tình hình kinh doanh thực tế của người phải thi hành án.
- Mức tiền tối thiểu để lại cho người phải thi hành án phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng. Việc xác định mức sinh hoạt tối thiểu của người phải thi hành án và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng được căn cứ vào chuẩn hộ nghèo của từng địa phương nơi người đó cư trú, nếu địa phương chưa có quy định thì theo chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo từng giai đoạn cụ thể.
Mức tiền tối thiểu để lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh do Chấp hành viên ấn định căn cứ vào tính chất ngành, nghề kinh doanh; quy mô kinh doanh của người phải thi hành án và mức ấn định này có thể được điều chỉnh.
Trên đây là nội dung câu trả lời đối với thắc mắc của bạn về việc thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án dân sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này, bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật