Phong tỏa tiền trong tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ để thi hành án dân sự được quy định như thế nào?

Phong tỏa tiền trong tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ để thi hành án dân sự được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Đặng Mai, hiện tôi đang sinh sống và làm việc tại Tp Vinh, Nghệ An. Vì nhu cầu tìm hiểu tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là việc phong tỏa tiền trong tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ để thi hành án dân sự được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!

Phong tỏa tiền trong tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ để thi hành án dân sự được quy định tại Điều 20 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự. Cụ thể như sau:

- Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. Chấp hành viên giao quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ cho người đại diện theo pháp luật của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và lập biên bản về việc giao quyết định.

Biên bản phải có chữ ký của Chấp hành viên, người nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ. Trường hợp người nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ không ký thì phải có chữ ký của người chứng kiến.

Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được ban hành sau khi Chấp hành viên lập biên bản phong tỏa theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có tài khoản, tài sản đã bị phong tỏa.

- Trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ thì Chấp hành viên lập biên bản về việc không nhận quyết định, có chữ ký của người làm chứng hoặc chứng kiến và tiến hành niêm yết quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ của người phải thi hành án tại trụ sở cơ quan, tổ chức đó.

Người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.

- Chấp hành viên có trách nhiệm bảo mật các thông tin về tài khoản, tài sản của người phải thi hành án bị áp dụng biện pháp bảo đảm khi được Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có tài khoản, tài sản cung cấp.

Trên đây là nội dung câu trả lời về việc phong tỏa tiền trong tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ để thi hành án dân sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này Bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị định 62/2015/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Phong tỏa tài khoản

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào