Thứ tự phân chia tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thu hồi giấy phép
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 24/2017/TT-NHNN về quy định trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 26/02/2018 thì thứ tự phân chia tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thu hồi giấy phép được quy định cụ thể như sau:
- Việc phân chia tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện theo thứ tự sau đây:
+ Các khoản vay đặc biệt theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung);
+ Các khoản lệ phí, chi phí thực hiện thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật;
+ Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
+ Các khoản chi trả cho người gửi tiền;
+ Các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước;
+ Các khoản nợ khác.
- Trường hợp giá trị tài sản của tổ chức tín dụng sau khi đã thanh toán đủ các khoản theo quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần giá trị tài sản còn lại được chia cho các cổ đông, chủ sở hữu, thành viên góp vốn theo tỷ lệ góp vốn tại thời điểm thực hiện việc phân chia tài sản.
- Trường hợp giá trị tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài sau khi đã thanh toán đủ các khoản theo quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần giá trị tài sản còn lại được thanh toán cho ngân hàng mẹ phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.
Trên đây là nội dung tư vấn về thứ tự phân chia tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thu hồi giấy phép. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 24/2017/TT-NHNN.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật