Hướng dẫn nhập khẩu cá Tuna từ Ấn Độ
Căn cứ Điều 33 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về việc nhập khẩu thuỷ sản sống dùng làm thực phẩm như sau:
“2. Nhập khẩu phải xin phép:
Thương nhân nhập khẩu các loài thủy sản không có tên trong Danh mục quy định tại Khoản 1 Điều này dùng làm thực phẩm phải được Tổng cục Thủy sản thực hiện đánh giá rủi ro (áp dụng đối với lô hàng nhập khẩu lần đầu), xem xét cấp phép và phê duyệt Kế hoạch quản lý, giám sát lô hàng nhập khẩu.”
Theo quy định tại Danh mục thủy sản sống dùng làm thực phẩm được phép nhập khẩu thông thường tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này thì Cá Tuna không có tên trong Danh mục. Vì vậy, khi nhập khẩu mặt hàng này Công ty phải xin phép nhập khẩu.
Tổng cục Thủy sản thực hiện việc cấp phép cho thuỷ sản sống dùng làm thực phẩm nhập khẩu. Hồ sơ và trình tự cấp phép nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 33 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo quy định thì thời hạn hiệu lực của giấy phép nhập khẩu thủy sản sống dùng làm thực phẩm có giá trị cho toàn bộ lô hàng và hiệu lực được ghi trong giấy phép theo từng giống, loài thủy sản sống nhưng không quá 01 năm kể từ ngày cấp.
Đề nghị bạn đọc tham khảo và liên hệ trực tiếp với Bộ phận “một cửa” Tổng cục Thuỷ sản (nơi tiếp nhận hồ sơ cấp phép nhập khẩu) để được hướng dẫn, giải đáp cụ thể về việc cấp phép nhập khẩu và các quy định có liên quan, theo:
+ Địa chỉ: Số 10 - Nguyễn Công Hoan – Ba Đình – Hà Nội.
+ Điện thoại: 043.7245370. Fax: 043.724.5120.
Ngoài ra, Căn cứ khoản 1 Điều 14 Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ quy định Kiểm tra thực phẩm nhập khẩu: “Tất cả các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền do các Bộ quản lý ngành chỉ định, trừ các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều này.”
Tuy nhiên, do mặt hàng Cá (làm thực phẩm) khi nhập khẩu thuộc diện phải kiểm dịch thuỷ sản tại Cơ quan kiểm dịch động vật thuộc Cục Thú y và Chi cục Thú y cấp tỉnh được Cục Thú y ủy quyền (sau đây gọi là cơ quan kiểm dịch động vật thuộc Cục Thú y) thực hiện kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản khi nhập khẩu nên không phải đăng ký kiểm tra Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thủ tục hải quan xuất nhập khẩu thực hiện theo quy định hiện hành tại Điều 16, Điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài Chính.
Thư Viện Pháp Luật