Kinh phí trả phụ cấp thâm niên nghề giáo lấy từ đâu?

Nguồn kinh phí trả phụ cấp thâm niên nghề giáo được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội trong lĩnh vực giáo dục. Trong quá trình công tác, một số vấn đề tôi chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Tôi được biết giáo viên có thâm niên giảng dạy chính thức đủ 5 năm trở lên được tính thâm niên để hưởng phụ cấp. Cho tôi hỏi vậy nguồn kinh phí để chi trả phụ cấp này được lấy từ đâu? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại văn bản nào? Rất mong sớm nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia. Tôi xin chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào? Hoàng Thanh Khiết (khiet***@gmail.com)

Ngày 04/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. 

Theo đó, nguồn kinh phí chi trả phụ cấp thâm niên nghề giáo là nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 4 Nghị định 54/2011/NĐ-CP. Cụ thể như sau: 

Nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được sử dụng từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị và nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH như sau:

1. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được thực hiện như sau: 

a) Đối với các cơ sở giáo dục công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên: Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên do ngân sách nhà nước đảm bảo và giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành; 

b) Đối với các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động: Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên được đảm bảo từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và nguồn ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành; 

c) Đối với các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí hoạt động: Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên được đảm bảo từ nguồn thu tự đảm bảo kinh phí hoạt động của đơn vị. 

Trong trường hợp Nhà nước thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung, các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, xét duyệt và tổng hợp báo cáo nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo vào nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương theo các quy định hiện hành về việc xác định nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung hàng năm và gửi Bộ Tài chính xem xét, thẩm định theo quy định. 

Riêng năm 2011 các cơ sở giáo dục công lập, các Bộ, ngành, địa phương sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương chưa sử dụng hết để chi trả chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này. Trường hợp nguồn kinh phí thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này nhỏ hơn so với nhu cầu kinh phí chi trả chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định, các Bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện về Bộ Tài chính để thẩm định và trình cấp có thẩm quyền bổ sung phần chênh lệch thiếu theo các Biểu 1, Biểu 2, Biểu 3 và Biểu 5a (đối với khối địa phương), hoặc Biểu 1, Biểu 4, Biểu 5b (đối với Bộ, ngành trung ương) ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. 

2. Việc lập và phân bổ dự toán, quản lý sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về kinh phí chi trả phụ cấp thâm niên nghề giáo. Để nắm rõ nội dung này, bạn vui lòng tham khảo thêm quy định tại Nghị định 54/2011/NĐ-CP.

Trân trọng! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào