Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu ba lô và túi xách
1/ Mã HS:
- Căn cứ vào Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng; kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Căn cứ vào Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa năm 2007 của Hội đồng hợp tác Hải quan thế giới (HS 2007).
- Căn cứ vào Biểu thuế xuất nhập nhập khẩu ưu đãi 2014 ban hành theo Thông tư 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Theo đó:
Mặt hàng “ba lô, túi xách” công ty có thể tham khảo phân loại vào nhóm 4202 “Hòm, va ly, xắc đựng đồ nữ trang, cặp tài liệu, cặp sách, ...; túi du lịch, túi đựng đồ ăn hoặc đồ uống có phủ lớp cách, túi đựng đồ vệ sinh cá nhân, ba lô, túi xách tay, túi đi chợ, ... bằng da thuộc hoặc da thuộc tổng hợp, bằng tấm pllastic, bằng vật liệu dệt, bằng sợi lưu hóa hoặc bằng bìa, hoặc được phủ toàn bộ hay chủ yếu bằng các vật liệu trên hoặc bằng giấy”. Để xác định chính xác mã số HS của hàng hóa, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, hoặc Công ty liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn chi tiết
Lưu ý: căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của Công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Trung tâm phân tích phân loại của Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Trung tâm phân tích phân loại xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.
2/ Thủ tục nhập khẩu:
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định:
“Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân):
Trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác, thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh”.
Căn cứ Điều 4 Thông tư 08/2013/TT-BCT ngày 22/04/2013 của Bộ Công thương quy định:
“Thực hiện quyền nhập khẩu:
1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép quyền nhập khẩu được nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài vào Việt Nam theo các điều kiện sau:
a) Hàng hóa nhập khẩu không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, danh mục hàng hóa tạm ngừng nhập khẩu, danh mục hàng hóa không được quyền nhập khẩu theo cam kết quốc tế;
b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hoá nhập khẩu có điều kiện, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật;
c) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo lộ trình trong các cam kết quốc tế, doanh nghiệp phải thực hiện theo lộ trình cam kết;
d) Mặt hàng nhập khẩu phải phù hợp với nội dung quyền nhập khẩu doanh nghiệp đã được cấp phép thực hiện.
2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép quyền nhập khẩu được trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa tại cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật.
3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép quyền nhập khẩu chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác đối với việc nhập khẩu hàng hoá theo quy định của pháp luật.
4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép quyền nhập khẩu nhưng chưa được cấp phép quyền phân phối chỉ được trực tiếp bán hàng nhập khẩu cho các thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền xuất khẩu, quyền phân phối hàng hóa đó, không được tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”.
Căn cứ Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 04/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công thương thì mặt hàng ba lô, túi xách thuộc nhóm 4202, nếu đã qua sử dụng thì thuộc Danh mục hàng tiêu dùng đã qua sử dụng cấm nhập khẩu. Do vậy, công ty chỉ được phép nhập khẩu các mặt hàng trên mới 100%.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp công ty là thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài được phép nhập khẩu các mặt hàng trên mới 100% không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh. Trường hợp công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì phải được cấp phép quyền nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 08/2013/TT-BCT ngày 22/04/2013 của Bộ Công thương.
Thủ tục, hồ sơ nhập khẩu thực hiện theo quy định quy định hiện hành tại Điều 16 và 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
3/ Thuế suất ACFTA:
Căn cứ Điều 2 Thông tư 166/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Tài chính quy định:
“Hàng hóa nhập khẩu để được áp dụng thuế suất ACFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1) Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm Thông tư này.
2) Được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc, bao gồm các nước sau:
- Bru-nây Đa-ru-sa-lam;
- Vương quốc Cam-pu-chia;
- Cộng hòa In-dô-nê-xi-a;
- Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;
- Ma-lai-xi-a;
- Liên bang Mi-an-ma;
- Cộng hòa Phi-líp-pin;
- Cộng hòa Xin-ga-po;
- Vương quốc Thái Lan;
- Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;
- Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Hàng từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước).
3) Được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu, quy định tại khoản 2 Điều này, đến Việt Nam, theo quy định của Bộ Công thương.
4) Thỏa mãn các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (viết tắt là C/O mẫu E) theo quy định của Bộ Công thương”.
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 26 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định:
“Người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu cho cơ quan hải quan theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 16 Thông tư này tại thời điểm nộp bộ hồ sơ hải quan hoặc trong thời hạn theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trường hợp chưa nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm khai hải quan, người khai hải quan khai theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (sau đây gọi tắt là thuế suất MFN) hoặc thông thường. Khi nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn theo quy định, người khai hải quan khai bổ sung theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt tương ứng, được hoàn trả số tiền thuế chênh lệch đã nộp; trường hợp lô hàng thuộc diện miễn kiểm tra hồ sơ khi khai hải quan, người khai hải quan phải nộp bổ sung bộ hồ sơ hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này khi nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ”.
Căn cứ các quy định trên, hàng hóa công ty nhập khẩu được áp dụng thuế suất ACFTA nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 2 Thông tư 166/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Tài chính, đồng thời công ty phải nộp Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu E tại thời điểm nộp bộ hồ sơ hải quan. Trường hợp chưa nộp được C/O mẫu E tại thời điểm khai hải quan, công ty khai theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (gọi tắt là thuế suất MFN) hoặc thông thường. Khi nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn theo quy định, công ty khai bổ sung theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt tương ứng, được hoàn trả số tiền thuế chênh lệch đã nộp.
Thư Viện Pháp Luật