Hướng dẫn thủ tục xuất khẩu quần áo
1/ Vướng mắc 1:
- Căn cứ Điều 3 Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định:
“Điều 3. Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu
1. Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân):
Trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác, thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Chi nhánh thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo ủy quyền của thương nhân.
2. Đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam:
Các thương nhân, công ty, chi nhánh khi tiến hành hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này, ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định này, còn thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan, các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và lộ trình do Bộ Công Thương công bố.
3. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện, khi xuất khẩu, nhập khẩu, ngoài việc thực hiện quy định của Nghị định này, thương nhân phải thực hiện quy định của pháp luật về điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đó”.
- Căn cứ Điểm 1 Mục II Thông tư 04/2007/TT-BTM ngày 04/04/2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) quy định:
“1. Xuất khẩu
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền trực tiếp xuất khẩu hoặc uỷ thác xuất khẩu sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất.
- Đối với hàng hoá thuộc diện xuất khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại, hàng hoá xuất khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành, thủ tục xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006”.
- Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Thông tư 08/2013/TT-BCT ngày 22/04/2013 của Bộ Công thương quy định:
“Điều 3. Thực hiện quyền xuất khẩu
1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép quyền xuất khẩu, được mua hàng hoá tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài, bao gồm hàng hoá do doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp khác nhập khẩu vào Việt Nam đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác, theo các điều kiện sau:
a) Hàng hóa xuất khẩu không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, danh mục hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, danh mục hàng hóa không được quyền xuất khẩu theo cam kết quốc tế;
b) Hàng hóa xuất khẩu thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu có điều kiện, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật;
c) Hàng hóa xuất khẩu thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu theo lộ trình trong các cam kết quốc tế, doanh nghiệp phải thực hiện theo lộ trình cam kết;
d) Mặt hàng xuất khẩu phải phù hợp với nội dung quyền xuất khẩu doanh nghiệp đã được cấp phép thực hiện”.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty không có vốn đầu tư nước ngoài thì được trực tiếp xuất khẩu quần áo không phụ thuộc vào ngành nghề.; trường hợp Công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì được trực tiếp xuất khẩu quần áo khi Công ty có ngành nghề là sản xuất quần áo hoặc được cấp phép quyền xuất khẩu mặt hàng này thể hiện trong Giấy chứng nhận đầu tư.
2/ Vướng mắc 2:
Mặt hàng Quần áo không thuộc diện cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu có điều kiện theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ nên công ty có thể làm thủ tục xuất khẩu như hàng hóa thông thường khác.
Thủ tục, hồ sơ xuất khẩu thực hiện theo quy định hiện hành tại Điều 16 và 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo yêu cầu của đối tác mà công ty có thể phải xuất trình thêm chứng từ như C/O,..Do đó, trước khi làm thủ tục xuất khẩu đề nghị Công ty liên hệ với đối tác ở nước ngoài để biết thêm các thông tin về việc nhập khẩu các hàng hóa, để có thể chuẩn bị các chứng từ cần thiết theo yêu cầu của nước nhập khẩu và để biết xem hàng hóa mình dự định xuất khẩu có đủ điều kiện để xuất khẩu không.
3/ Vướng mắc 3:
- Về mã HS:
Do Công ty không cung cấp cụ thể về mặt hàng quần áo nên chúng tôi không có cơ sở để tư vấn chính xác mã HS. Công ty có thể tham khảo tham khảo Chương 61 “Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc” hoặc Chương 62 “Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc” để xác định mã HS.
Đề nghị bạn đọc căn cứ vào thực tế hàng hóa nhập khẩu và áp dụng 06 (sáu) quy tắc phân loại tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư Thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 01/07/2015 của Bộ Tài để xác định mã HS phù hợp với hàng hóa thực tế.
Để xác định chính xác mã số hàng hóa xuất khẩu, trước khi làm thủ tục hải quan, bạn có thể đề nghị xác định trước mã số hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Điều 7 Thông tư Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
- Về thuế suất thuế xuất khẩu:
Sau khi xác định được mã số HS của hàng hóa thực tế xuất khẩu, đề nghị bạn đọc tra cứu mức thuế suất thuế xuất khẩu quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung:
+ Căn cứ Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính thì: Các mặt hàng thuộc Chương 61 và Chương 62 không được quy định cụ thể trong Biểu thuế xuất khẩu;
+ Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 164/2013/TT-BTC thì: “Trường hợp mặt hàng xuất khẩu không được quy định cụ thể tên trong Biểu thuế xuất khẩu thì khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan vẫn phải kê khai mã hàng của mặt hàng xuất khẩu tương ứng với mã hàng 08 chữ số của mặt hàng đó trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Mục I Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và ghi mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% (không phần trăm)”.
Thư Viện Pháp Luật