Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu dụng cụ, đồng phục và thực phẩm cho nhà hàng

Công ty có một số thắc mắc muốn quý Hải quan tư vấn: 1. Công ty muốn nhập khẩu một số trang thiết bị cho nhà hàng: bát, đĩa, thìa, xoong và các vật dụng trong nhà bếp. Vậy để nhập các trang thiết bị này cần phải chuẩn bị những hồ sơ gì? 2. Công ty nhập khẩu hàng đông lạnh có phải nộp Giấy đăng ký kiểm dịch và kiểm tra VSATTP? 3. Công ty nhập khẩu đồng phục cho nhân viên nhà hàng phải xin những giấy phép gì?

Vướng mắc 1:

Căn cứ Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thì mặt hàng gia dụng bằng gốm, sành sứ, thủy tinh, kim loại, nhựa, cao su, chất dẻo và các chất liệu khác đã qua sử dụng không được nhập khẩu.

Do vậy, công ty chỉ được phép nhập khẩu các mặt hàng trên mới 100%.

Thủ tục, hồ sơ hải quan nhập khẩu thực hiện theo quy định hiện hành tại Điều 16 và 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.

Vướng mắc 2:

- Về kiểm dịch:

Căn cứ điểm 1 phần II Mục 2 Quyết định số 45/2005/QĐ-BNN ngày 25 tháng 7 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định: Thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm từ thịt, phủ tạng, phụ phẩm của động vật quy định tại Mục I của Danh mục này ở dạng tươi sống, hun khói, phơi khô, sấy, ướp muối, đông lạnh, đóng hộp thuộc Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch.

Căn cứ Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-BTC ngày 03/01/2012 của Bộ Tài chính quy định:

“Điều 2. Thông quan hàng hóa nhập khẩu phải kiểm dịch

1. Trường hợp chủ hàng nộp Giấy thông báo miễn kiểm dịch hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch thì Chi cục Hải quan làm thủ tục và thông quan hàng hóa, không yêu cầu nộp Giấy đăng ký kiểm dịch.

2. Trường hợp chủ hàng nộp Giấy đăng ký kiểm dịch thì Chi cục Hải quan liên quan căn cứ vào địa điểm kiểm dịch ghi tại Giấy đăng ký kiểm dịch để thực hiện thông quan hàng hóa theo một trong 2 trường hợp sau:

2.1. Trường hợp địa điểm kiểm dịch tại cửa khẩu và cảng nội địa (ICD):

a) Đối với lô hàng đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan ICD: khi chủ hàng nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch (bản chính) thì Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan ICD thông quan hàng hóa.

b) Đối với lô hàng đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu: khi chủ hàng xuất trình Giấy chứng nhận kiểm dịch (bản chính) thì Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục chuyển cửa khẩu; khi chủ hàng nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch (bản chính) thì Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu thông quan hàng hóa.

Trường hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu, khi chủ hàng nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch thì Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện thông quan hàng hóa và chuyển hồ sơ theo quy định đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu.

2.2. Trường hợp địa điểm kiểm dịch tại khu cách ly kiểm dịch, nhà máy, xí nghiệp, kho bảo quản, địa điểm kiểm tra hải quan ngoài khu vực cửa khẩu:

a) Đối với lô hàng đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu:

a.1) Khi chủ hàng nộp Giấy vận chuyển hàng hóa (bản chính) do cơ quan kiểm dịch cấp thì Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục để chủ hàng đưa hàng về địa điểm kiểm dịch theo Giấy đăng ký kiểm dịch. Tại ô Ghi chép khác trên tờ khai hải quan (bản lưu hải quan và bản lưu người khai hải quan), công chức hải quan ghi “Hàng chờ kết quả kiểm dịch; ngày, tháng, năm”, ký tên, đóng dấu công chức.

a.2) Khi chủ hàng nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch (bản chính) thì Chi cục Hải quan cửa khẩu hoàn thành việc thông quan hàng hóa.

b) Đối với lô hàng đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu:

b.1) Khi chủ hàng xuất trình Giấy vận chuyển hàng hóa (hoặc giấy tờ có liên quan đến việc cho phép vận chuyển hàng hóa về địa điểm kiểm dịch) do cơ quan kiểm dịch cấp thì Chi cục Hải quan cửa khẩu giải quyết thủ tục chuyển cửa khẩu theo quy định. Chủ hàng có trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa để thực hiện kiểm dịch.

b.2) Khi chủ hàng nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch thì Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu thông quan hàng hóa.

c) Thời hạn chủ hàng phải nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày mang hàng về địa điểm kiểm dịch. Trường hợp chủ hàng nộp chậm hoặc không nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch thì bị xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này”.

- Về kiểm tra VSATTP:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Quyết định số 4069/QĐ-BNN-QLCL ngày 14/10/2015.

Đề nghị công ty căn cứ thực tế hàng nhập khẩu để thực hiện theo các quy định trên.

Vướng mắc 3:

Căn cứ Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thì Hàng dệt may, giày dép, quần áo đã qua sử dụng không được nhập khẩu.

Căn cứ Quyết định số 11039/QĐ-BCT ngày 03/12/2014 của Bộ Công Thương thì sản phẩm dệt may (nhóm 6309) thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan.

Căn cứ các quy định trên, công ty chỉ được phép nhập khẩu các mặt hàng trên mới 100% và phải đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với sản phẩm dệt may nhập khẩu tại cơ quan quản lý chuyên ngành.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào