Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu nồi cơm điện
Mặt hàng nồi cơm điện mới 100% không thuộc diện cấm nhập khẩu hay nhập khẩu có điều kiện theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định nên Công ty có thể làm thủ tục nhập khẩu như hàng hóa thông thường và chịu sự điều chỉnh các quy định sau:
1/ Công bố hợp quy:
Căn cứ điểm 4.9 mục II - Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành kèm theo Thông tư 01/2009/TT-BKHCN ngày 20/03/2009 quy định có mặt hàng: “nồi cơm điện”
- Căn cứ khoản 2, 3 Điều 7 Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường:
“2. Đối với hàng hóa nhóm 2, người nhập khẩu phải công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Việc công bố hợp quy được thực hiện dựa trên một trong các căn cứ sau đây:
a) Kết quả tự đánh giá của người sản xuất, người nhập khẩu;
b) Đánh giá của tổ chức đánh giá sự phù hợp;
c) Chứng nhận hợp quy theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
d) Kết quả giám định tại cửa khẩu xuất hoặc cửa khẩu nhập của tổ chức chứng nhận, giám định được chỉ định hoặc thừa nhận theo quy định tại Điều 26 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
3. Đối với hàng hóa nhóm 2 có quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất cho sản phẩm, hàng hóa đó thì người nhập khẩu phải cung cấp thêm giấy chứng nhận liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất do tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc tổ chức chứng nhận được thừa nhận cấp.”
Đề nghị Công ty liên hệ trực tiếp với Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn, thực hiện theo đúng quy định nêu trên.
2/ Dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu:
- Căn cứ Khoản 1 Điều 1 Quyết định 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ Quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện:
“Điều 1. Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu
1. Nhóm thiết bị gia dụng gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình”.
- Căn cứ Điểm g Khoản 1 Điều 2 Quyết định 78/2013/QĐ-TTg ngày 25/12/2013 của Chính phủ quy định:
“Điều 2. Không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị có hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu:
1. Đối với nhóm thiết bị gia dụng:
Hiệu suất năng lượng không thấp hơn hiệu suất năng lượng tối thiểu quy định tại các Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) như sau:
g) Nồi cơm điện:
TCVN 8252:2009;”
Căn cứ quy định nêu trên và căn cứ nội dung hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại công văn số 4142/TCHQ-GSQL ngày 07/05/2015, Công ty phải nộp hồ sơ chứng từ về phù hợp mức hiệu suất năng lượng tối thiểu (Phiếu thử nghiệm trên mức hiệu suất tối thiểu do Phòng thử nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định cấp hoặc Quyết định chứng nhận dán nhãn năng lượng) để tiến hành thông quan hàng hóa. Sau khi hàng hóa nhập khẩu được thông quan hoặc giải phóng hàng, Công ty chịu trách nhiệm làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 07/2012/TT-BCT ngày 04/04/2012 của Bộ Công Thương.
Căn cứ Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm Ban hành kèm theo Quyết định số 818/QĐ-BYT ngày 05/03/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế thì mặt hàng Nồi cơm điện không thuộc diện phải kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thư Viện Pháp Luật