Những đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam bị xử lý thế nào?

Những đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam bị xử lý thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Hoàng Anh, hiện tôi đang là chiến sĩ công an nghĩa vụ, đang công tác tại công an tỉnh Bình Phước, có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là những đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam bị xử lý thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!

Những đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam bị xử lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư 32/2017/TT-BCA danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam và xử lý vi phạm, cụ thể như sau:

- Đồ vật cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 4 của Thông tư này thì lập biên bản chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

- Đồ vật cấm quy định tại các khoản 4, 5, 6 Điều 4 của Thông tư này sau khi thu giữ phải tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ, lập hồ sơ trước khi tổ chức tiêu hủy; trường hợp các đồ vật cấm có các nội dung, dữ liệu liên quan đến vụ án thì chuyển giao cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

- Đồ vật cấm quy định tại các khoản 7, 8, 9, 10 Điều 4 của Thông tư này thì thủ trưởng cơ sở giam giữ ra quyết định và tổ chức tiêu hủy.

- Việc tiêu hủy đồ vật cấm phải thành lập Hội đồng, đối với trại tạm giam do Giám thị làm Chủ tịch, 01 đồng chí Phó Giám thị làm Phó Chủ tịch, Đội trưởng các đội nghiệp vụ và Bệnh xá trưởng làm Ủy viên; đối với nhà tạm giữ thì do Phó Trưởng Công an cấp huyện phụ trách nhà tạm giữ làm Chủ tịch, Trưởng hoặc Phó Trưởng nhà tạm giữ làm Phó Chủ tịch, cán bộ quản giáo, bảo vệ, y tế làm ủy viên.

- Đồ vật cấm quy định tại khoản 11 Điều 4 của Thông tư này sau khi thu giữ thì thủ trưởng cơ sở giam giữ có trách nhiệm gửi vào kho bạc Nhà nước nơi đơn vị đóng quân và đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam tự giác giao nộp thì được gửi lưu ký hoặc giao cho thân nhân theo nguyện vọng của người giao nộp.

Trên đây là nội dung câu trả lời về việc xử lý những đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo tại Thông tư 32/2017/TT-BCA.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào