Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu mật ong và vi khuẩn Lactobacillus
1. Về Mã HS:
- Căn cứ vào Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng; kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Căn cứ vào Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa năm 2007 của Hội đồng hợp tác Hải quan thế giới (HS 2007).
- Căn cứ vào Biểu thuế xuất nhập nhập khẩu ưu đãi 2016 ban hành theo Thông tư 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015 của Bộ Tài chính có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016. Theo đó:
+Mặt hàng “mật ong” có thể tham khảo áp vào nhóm 0409 (mật ong tự nhiên), 1702.90.20 (mật ong nhân tạo đã hoặc chưa pha trộn với mật ong tự nhiên).
+Mặt hàng “Vi khuẩn Lactobacillus ( Milk Ferment Filtrate ) INCI CAS No. EC No. Lactobacillus/Milk Ferment Filtrate 92129-90-3 295-890-2”: do doanh nghiệp chưa khai báo cụ thể mô tả hàng hóa nên tổ tư vấn không thể trả lời chính xác mã HS của mặt hàng nêu trên.
Tuy nhiên công ty có thể tham khảo phân loại các loại vi sinh thuộc phân nhóm 21.02, 3002,…
Lưu ý, căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Trung tâm phân tích phân loại của Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Trung tâm phân tích phân loại xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó. Để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
2. Về chính sách mặt hàng:
- Về mỹ phẩm:
- Căn cứ Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định mỹ phẩm thuộc hàng hoá nhập khẩu có điều kiện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế.
- Căn cứ Điều 3 , Điều 35 Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về việc công bố sản phẩm mỹ phẩm như sau:
“Điều 3. Quy định về việc công bố sản phẩm mỹ phẩm
1. Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Điều 35. Nhập khẩu mỹ phẩm
1. Các sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn hiệu lực được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành. Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận”.”
- Hồ sơ hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu căn cứ Khoản 2 Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
- Về dược phẩm: đề nghị Công ty tham khảo quy định tại Điều 19. Nguyên liệu làm thuốc theo Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc.
Thư Viện Pháp Luật