Việc gia hạn giấy phép xây dựng được quy định như thế nào?

Việc gia hạn giấy phép xây dựng được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Nguyễn Minh Long, hiện tôi đang sinh sống và làm việc tại Tp Hà Nội, tôi đang tìm hiểu quy định của pháp luật về việc cấp giấy phép xây dựng, nhưng có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là trong trường hợp cơ quan, tổ chức muốn gia hạn giấy phép xây dựng thêm một thời gian thì được pháp luật quy định như thế nào?  Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!

Việc gia hạn giấy phép xây dựng được quy định tại Điều 99 Luật Xây dựng 2014. Cụ thể như sau:

- Trước thời điểm giấy phép xây dựng hết hiệu lực khởi công xây dựng, nếu công trình chưa được khởi công thì chủ đầu tư phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng. Mỗi giấy phép xây dựng chỉ được gia hạn tối đa 02 lần. Thời gian gia hạn mỗi lần là 12 tháng. Khi hết thời gian gia hạn giấy phép xây dựng mà chưa khởi công xây dựng thì chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới.

- Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng gồm:

+ Đơn đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng;

+ Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp.

+ Thời hạn gia hạn giấy phép xây dựng được ghi trong giấy phép xây dựng được cấp.

- Đối với công trình, nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đã hết thời hạn tồn tại ghi trong giấy phép, nhưng quy hoạch chưa được thực hiện thì chủ sở hữu công trình hoặc người được giao sử dụng công trình đề nghị cơ quan cấp giấy phép xây dựng xem xét gia hạn thời gian tồn tại cho đến khi quy hoạch được triển khai thực hiện. Thời hạn tồn tại công trình được ghi ngay vào giấy phép xây dựng có thời hạn đã được cấp.

Trên đây là nội dung câu trả lời về việc gia hạn giấy phép xây dựng. Để hiêu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Luật Xây dựng 2014.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Gia hạn giấy phép xây dựng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào