Hướng dẫn thủ tục xuất khẩu tượng phật bằng gỗ
Do cá nhân không nêu rõ tượng Phật được làm từ gỗ rừng tự nhiên trong nước hay gỗ có nguồn gốc nhập khẩu,... nên chúng tôi không thể hướng dẫn chi tiết.
Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 2 Điều 7 và khoản 1, khoản 3 Điều 8 Mục 1 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ có quy định:
“Điều 7. Cấm xuất khẩu
Cấm xuất khẩu gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ thuộc các trường hợp sau:
2. Xuất khẩu vì mục đích thương mại sản phẩm làm từ gỗ thuộc Nhóm IA do Chính phủ quy định (trừ gỗ là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước và những trường hợp quy định tại Điều 8 Thông tư này) và Phụ lục I của CITES khai thác từ tự nhiên.
Điều 8. Xuất khẩu theo điều kiện hoặc theo giấy phép
1. Gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ chỉ được xuất khẩu khi có hồ sơ lâm sản hợp pháp theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi xuất khẩu, thương nhân kê khai hàng hoá với cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại và chịu trách nhiệm về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
3. Gỗ và sản phẩm làm từ gỗ thuộc các Phụ lục của CITES phải có Giấy phép CITES do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp”
-Căn cứ Khoản 1 Điều 17 Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định:
“Điều 17. Lâm sản sau chế biến
1. Hồ sơ lâm sản sau chế biến từ gỗ rừng tự nhiên trong nước của tổ chức xuất ra gồm: hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính, kèm theo bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại.
2. Lâm sản sau chế biến từ gỗ nhập khẩu, gỗ sau xử lý tịch thu:
a) Hồ sơ lâm sản sau chế biến từ gỗ nhập khẩu, gỗ sau xử lý tịch thu của tổ chức quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 26 của Thông tư này xuất ra gồm: hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính, kèm theo bảng kê lâm sản.
b) Hồ sơ lâm sản sau chế biến từ gỗ nhập khẩu, gỗ sau xử lý tịch thu của tổ chức quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 26 của Thông tư này xuất ra gồm: hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính, kèm theo bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại.
3. Hồ sơ lâm sản sau chế biến từ gỗ rừng tự nhiên trong nước, gỗ nhập khẩu, gỗ sau xử lý tịch thu của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra: bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại.
4. Hồ sơ lâm sản sau chế biến từ gỗ rừng trồng tập trung, vườn nhà, trang trại, cây trồng phân tán.
a) Hồ sơ lâm sản sau chế biến từ gỗ rừng trồng tập trung, vườn nhà, trang trại, cây trồng phân tán của tổ chức xuất ra gồm: hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính, kèm theo bảng kê lâm sản.
b) Hồ sơ lâm sản sau chế biến từ gỗ rừng trồng tập trung, vườn nhà, trang trại, cây trồng phân tán của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra: bảng kê lâm sản.
5. Hồ sơ lâm sản ngoài gỗ sau chế biến
a) Hồ sơ lâm sản ngoài gỗ sau chế biến của tổ chức xuất ra gồm: hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính, kèm theo bảng kê lâm sản.
b) Hồ sơ lâm sản ngoài gỗ sau chế biến của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra: bảng kê lâm sản.”
Do đó, khi làm thủ tục xuất khẩu tượng Phật bằng gỗ (trừ sản phẩm gỗ cấm xuất khẩu quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNN), ngoài bộ hồ sơ hải quan theo quy định tại điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015, cá nhân phải xuất trình thêm hồ sơ lâm sản hợp pháp được quy định tại Điều 17 Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tùy thuộc vào nguồn gốc gỗ thực tế xuất khẩu, cá nhân có thể tham khảo quy định trên để chuẩn bị hồ sơ lâm sản hợp pháp.
Về hình thức phi mậu dịch dùng để áp dung đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại, nghĩa là không có phát sinh hoạt động mua bán, thông thường là hàng biếu tặng, hàng viện trợ, hàng là tài sản di chuyển ... quy định tại Điều 107, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
Thư Viện Pháp Luật