Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu xe hơi cũ cho người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam
1. Về thủ tục hải quan:
- Căn cứ Điều 53 Luật Hải quan năm 2014 quy định:
“Điều 53. Kiểm tra, giám sát hải quan đối với tài sản di chuyển
Tài sản di chuyển của cá nhân, gia đình, tổ chức phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.
Cá nhân, tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa là tài sản di chuyển phải có giấy tờ chứng minh việc cư trú, hoạt động ở Việt Nam hoặc nước ngoài”.
-Căn cứ Khoản 1, 2 Điều 45 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định:
“Điều 45. Tài sản di chuyển
1. Người nước ngoài đưa tài sản di chuyển vào Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan phải nộp:
a) Tờ khai hải quan: 02 bản chính;
b) Văn bản xác nhận đến công tác, làm việc tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nơi người nước ngoài làm việc hoặc giấy phép làm việc tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp: 01 bản chụp;
c) Chứng từ vận tải trong trường hợp tài sản vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt: 01 bản chụp.
2. Người nước ngoài chuyển tài sản di chuyển ra khỏi Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan phải nộp:
a) Tờ khai hải quan: 02 bản chính;
b) Văn bản chứng minh hết thời gian làm việc: 01 bản chụp;
c) Tờ khai hải quan nhập khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan đối với tài sản di chuyển là xe ô tô, xe gắn máy hoặc chứng từ thay đổi mục đích sử dụng và chứng từ nộp thuế đối với hàng hóa thuộc diện phải nộp thuế: 01 bản chụp”.
Do là mặt hàng ô tô đã qua sử dụng ngoài thực hiện thủ tục hải quan theo quy định hiện hành thì phải thực hiện thêm các quy định sau:
2. Chính sách mặt hàng ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu:
- Theo quy định tại mục II Thông tư liên bộ số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31/03/2006 của Bộ Thương mại - Bộ Giao thông Vận tải - Bộ Tài chính - Bộ Công an thì ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng phải đảm bảo điều kiện: không quá 05 năm tính từ năm sản xuất đến thời điểm ôtô về đến cảng Việt Nam, được đăng ký với thời gian tối thiểu là 6 tháng và đã chạy được một quãng đường tối thiểu là 10.000 km (mười nghìn). Đồng thời, ô tô nhập khẩu không phải là loại có tay lái nghịch (tay lái bên phải), ở dạng tháo rời, hoặc đã thay đổi kết cấu.
- Căn cứ điểm 3 phần III của Thông tư liên bộ số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA thì khi nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu qua các cửa khẩu sau: “Ô tô đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế: Cái Lân Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh (hiện nay có thêm Cảng quốc tế Vũng tàu, theo Thông tư số 25/2010/TTLT-BCT-BGTVT-BTC ngày 14/06/2010). Thủ tục hải quan được thực hiện tại cửa khẩu nhập.”
- Căn cứ Điều 5 Thông tư 143/2015/TT-BTC ngày 11/09/2015 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 5. Thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy
1. Hồ sơ nhập khẩu, tạm nhập khẩu
a) Giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy: 02 bản chính.
b) Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chụp;
c) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
d) Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô): 01 bản chính;
đ) Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng xe gắn máy nhập khẩu (đối với xe gắn máy): 01 bản chính;
e) Giấy ủy quyền của đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Thông tư này ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe (nếu có): 01 bản chính”.
- Căn cứ mục 8 và mục 13 Phần 5 của Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/03/2006 của Chính phủ v/v ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng, theo đó mặt hàng “xe ô tô” khi nhập khẩu phải đăng ký kiểm tra chất lượng tại các Trung tâm đăng kiểm thuộc Cục đăng kiểm Việt Nam chỉ định.
3. Chính sách thuế xuất nhập khẩu:
3.1 Thuế xuất nhập khẩu:
-Căn cứ Khoản 2, Điều 113 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 103. Các trường hợp miễn thuế
...2. Hàng hóa là tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài mang vào Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài trong mức quy định, bao gồm:
a) Hàng hóa là tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân người nước ngoài khi được phép vào cư trú, làm việc tại Việt Nam theo giấy mời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chuyển ra nước ngoài khi hết thời hạn cư trú, làm việc tại Việt Nam;
b) Hàng hóa là tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân Việt Nam được phép đưa ra nước ngoài để kinh doanh và làm việc, khi hết thời hạn nhập khẩu lại Việt Nam được miễn thuế đối với những tài sản đã đưa ra nước ngoài;
c) Hàng hóa là tài sản di chuyển của gia đình, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được phép về Việt Nam định cư hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài; hàng hóa là tài sản di chuyển của người nước ngoài mang vào Việt Nam khi được phép định cư tại Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài.
Riêng xe ô tô, xe mô tô đang sử dụng của gia đình, cá nhân mang vào Việt Nam khi được phép định cư tại Việt Nam chỉ được miễn thuế nhập khẩu mỗi thứ một chiếc.
Việc xác định hàng hoá là tài sản di chuyển thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thực hiện”.
3.2. Thuế TTĐB:
-Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 đã được sửa đổi bổ sung năm 2016
“Điều 3. Đối tượng không chịu thuế
2. Hàng hóa nhập khẩu bao gồm:
c) Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu”;
3.3. Thuế GTGT:
-Căn cứ Khoản 20 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008 đã được sửa đổi bổ sung năm 2016
“Điều 5. Đối tượng không chịu thuế
20. Hàng hoá chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hoá xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; hàng hoá, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.
Hàng hoá tạm nhập tái xuất phải theo dõi tái xuất và thanh khoản với cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai khi hết thời gian tạm nhập. Đồng thời phải sử dụng đúng mục đích của người nước ngoài được phép làm việc, định cư tại Việt Nam.
Thư Viện Pháp Luật