Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu miếng dán đuổi muỗi

Công ty làm thủ tục nhập khẩu lô hàng "Miếng dán đuổi muỗi". Hàng có xuất xứ Đài Loan, thành phần chính là tinh dầu, dùng để dán lên quần áo, công dụng chống muỗi. Công ty xin được hướng dẫn: 1. Mã HS và chính sách nhập khẩu của mặt hàng này? 2. Mặt hàng này có phải xin loại giấy phép nào trước khi làm thủ tục nhập khẩu hay không?

1. Về mã HS

- Việc xác định thuế suất dựa vào mã số HS của hàng hóa thực tế nhập khẩu. Công ty có thể tham khảo các văn bản quy phạm pháp luật sau để làm căn cứ xác định mã HS phù hợp:

+ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân tích phân loại hàng hóa.

+ Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa của Hội đồng hợp tác Hải quan Thế giới.

- Biểu Thuế xuất nhập nhập khẩu ưu đãi 2016 ban hành theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Bộ Tài chính có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2016, mặt hàng công ty mô tả nêu trên có thể tham khảo phân loại theo nhóm 33.01 hoặc nhóm 38.08, tuỳ thuộc vào tính chất, thành phần cấu tạo của hàng hoá.

Lưu ý, căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Trung tâm phân tích phân loại của Hải quan (nay là Cục Kiểm định các khu vực). Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả phân tích phân loại xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.

- Để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

2. Về chính sách mặt hàng

2.1. Trường hợp miếng dán đổi muỗi có thành phần từ 100% tinh dầu tự nhiên.

- Căn cứ Khoản 1 Điều 35 Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về việc nhập khẩu mỹ phẩm như sau:

“Các sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn hiệu lực được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành. Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận.”

- Căn cứ Điều 3 và Điều 4 Thông tư trên quy định:

“Điều 3. Quy định về việc công bố sản phẩm mỹ phẩm

1. Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.

2. Lệ phí công bố sản phẩm mỹ phẩm được thực hiện theo quy định hiện hành.

3. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.

4. Việc công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm (mục đích sử dụng của sản phẩm) phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 03-MP).

Điều 4. Hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm

Hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm bao gồm các tài liệu sau:

1. Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (02 bản) kèm theo dữ liệu công bố (bản mềm của Phiếu công bố);

2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (có chữ ký và đóng dấu của doanh nghiệp). Trường hợp mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất thì phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà sản xuất (có chứng thực hợp lệ);

3. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ Giấy ủy quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam (áp dụng đối với mỹ phẩm nhập khẩu và mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất). Đối với sản phẩm nhập khẩu thì Giấy uỷ quyền phải là bản có chứng thực chữ ký và được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Giấy uỷ quyền phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 6 Thông tư này.

4. Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS): Chỉ áp dụng đối với trường hợp công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và đáp ứng các yêu cầu sau:

a) CFS do nước sở tại cấp là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ, còn hạn. Trường hợp CFS không nêu thời hạn thì phải là bản được cấp trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp.

b) CFS phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”

Do công ty không nêu rõ sản phẩm này có tiếp xúc trực tiếp cơ thể hay không, tuy nhiên trường hợp có tiếp xúc đều phải tuân theo các quy định trên và liên hệ với Cục Quản lý dược - Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tại nơi Công ty nhập khẩu để được hướng dẫn chi tiết.

2.2. Trường hợp “miếng dán đổi muỗi” có thành phần từ hoá chất, chế phẩm.

Mặt hàng “miếng dán đuổi muỗi” có thành phần từ hoá chất, chế phẩm (mã HS 3808.91.30) thuộc Danh mục “sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn thuộc phạm vi được phân công của Bộ Y tế” (danh mục sản phẩm, hàng hoá nhóm 2) ban hành kèm theo Thông tư số 44/2011/TT-BYT và thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế theo quy định tại Thông tư số 12/2016/TT-BYT ngày 12/05/2016 của Bộ Y tế.

Căn cứ Điều 2 Thông tư 44/2011/TT-BYT ngày 06/12/2011 của Bộ Y tế quy định:

Điều 2. Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá

Việc quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hoá thuộc danh mục sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Căn cứ quy định tại Điều 34, 35 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007:

“Điều 34. Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hoá nhập khẩu

1. Hàng hóa nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định tại Điều 23 của Luật này và ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá.

2. Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến quá trình sản xuất, sản phẩm cuối cùng bởi tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc được thừa nhận theo quy định tại Điều 26 của Luật này.

3. Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này khi nhập khẩu phải được tổ chức giám định được chỉ định hoặc được thừa nhận theo quy định tại Điều 26 của Luật này giám định tại cửa khẩu xuất hoặc cửa khẩu nhập.

4. Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 27, trình tự, thủ tục quy định tại Điều 35 của Luật này.

Điều 35. Trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu

1. Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá tiến hành kiểm tra theo trình tự, thủ tục sau đây:

a) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng của người nhập khẩu gồm bản đăng ký kiểm tra chất lượng, bản sao chứng chỉ chất lượng có chứng thực, tài liệu kỹ thuật khác liên quan, bản sao hợp đồng mua bán và danh mục hàng hoá kèm theo hợp đồng;

b) Xem xét tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ đăng ký kiểm tra ngay khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng của người nhập khẩu;

c) Tiến hành kiểm tra theo nội dung kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này;

d) Thông báo kết quả kiểm tra cho người nhập khẩu, xác nhận hàng hoá đã đáp ứng yêu cầu chất lượng để được làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá với cơ quan hải quan;

đ) Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra theo quy định tại Điều 36 của Luật này.

2. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định chi tiết trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu thuộc phạm vi được phân công quản lý quy định tại khoản 5 Điều 68, khoản 4 Điều 69 và khoản 2 Điều 70 của Luật này”.

Căn cứ Điều 22 Thông tư số 29/2011/TT-BYT ngày 30/06/2011 của Bộ Y tế quy định:

Điều 22. Nguyên tắc thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất, chế phẩm

1. Việc xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất, chế phẩm thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

2. Trong trường hợp nước nhập khẩu có yêu cầu xác nhận hóa chất, chế phẩm đã được lưu hành tại Việt Nam, đơn vị đăng ký thực hiện theo quy định của pháp luật về giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.

3. Hóa chất, chế phẩm nhập khẩu có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) cấp còn hiệu lực được phép nhập khẩu theo nhu cầu, không hạn chế số lượng, giá trị, thủ tục làm tại Hải quan, không phải qua Bộ Y tế phê duyệt. Đơn vị nhập khẩu tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của mình.

4. Hóa chất, chế phẩm thuộc danh mục được nhập khẩu theo nhu cầu phải còn ít nhất là 2/3 (hai phần ba) hạn sử dụng kể từ khi đến Việt Nam.

5. Đối với hóa chất, chế phẩm sản xuất trong nước sử dụng nguyên liệu nhập khẩu chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành tại Việt Nam, khi cấp số đăng ký lưu hành cho hóa chất, chế phẩm, Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) sẽ có văn bản xác nhận nguyên liệu được phép nhập khẩu. Văn bản xác nhận có hiệu lực tương ứng với hiệu lực của số đăng ký lưu hành cấp cho hóa chất, chế phẩm.

Như vậy khi nhập khẩu mặt hàng “miếng dãn đuổi muỗi” công ty phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm này. Về hồ sơ thủ tục kiểm nghiệm, khảo nghiệm và cấp giấy lưu hành thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2011/TT-BYT.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào