Các trường hợp nào cơ quan thuế có quyền ấn định số tiền thuế phải nộp nếu người nộp thuế vi phạm?
Các trường hợp cơ quan thuế có quyền ấn định số tiền thuế phải nộp nếu người nộp thuế vi phạm được quy định tại Khoản 1 Điều 25 Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 83/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:
- Không đăng ký thuế theo quy định tại Điều 22 của Luật Quản lý thuế;
- Không nộp hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 (mười) ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định;
- Không bổ sung hồ sơ khai thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế hoặc đã bổ sung hồ sơ khai thuế nhưng không đầy đủ, trung thực, chính xác các căn cứ tính thuế để xác định số thuế phải nộp;
- Không xuất trình tài liệu kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu liên quan đến việc xác định các yếu tố làm căn cứ tính thuế khi đã hết thời hạn kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế;
- Trường hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế, có căn cứ chứng minh người nộp thuế hạch toán kế toán không đúng quy định, số liệu trên sổ kế toán không đầy đủ, không chính xác, trung thực dẫn đến không xác định đúng các yếu tố làm căn cứ tính số thuế phải nộp;
- Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế;
- Đã nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan quản lý thuế nhưng không tự tính được số thuế phải nộp.
Trên đây là nội dung quy định về các trường hợp cơ quan thuế có quyền ấn định số tiền thuế phải nộp nếu người nộp thuế vi phạm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 156/2013/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật