Hướng dẫn khai VNACCS và khai báo trị giá hải quan
1. Khai VNACCS:
Trong trường hợp có 3 invoice, Công ty có thể khai tại ô phân loại hình thức hoá đơn (mục 1.39), nhập mã phân loại là B theo hướng dẫn tại phụ lục II ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
Về khai số vận đơn, Công ty có thể khai tại ô Số vận đơn (mục 1.26), đối với B/L có thể nhập đến 5 số vận đơn theo hướng dẫn tại phụ lục II ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
2. Khai báo trị giá hải quan:
Việc xác định trị giá hải quan (trị giá tính thuế) đối với hàng hoá nhập khẩu được quy định tại Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
Đối với hàng hoá nhập khẩu xác định trị giá tính thuế theo phương pháp trị giá giao dịch quy định tại Điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính, theo đó:
1. Trị giá giao dịch là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này.
2. Giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu là tổng số tiền mà người mua đã thanh toán hoặc sẽ phải thanh toán, trực tiếp hoặc gián tiếp cho người bán để mua hàng hóa nhập khẩu. Bao gồm các khoản sau đây:
a) Giá mua ghi trên hóa đơn thương mại;
b) Các khoản điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này;
c) Các khoản tiền người mua phải trả nhưng chưa tính vào giá mua ghi trên hóa đơn thương mại, bao gồm:
c.1) Tiền trả trước, tiền ứng trước, tiền đặt cọc cho việc sản xuất, mua bán, vận tải, bảo hiểm hàng hóa;
c.2) Các khoản thanh toán gián tiếp cho người bán (ví dụ như: khoản tiền mà người mua trả cho người thứ ba theo yêu cầu của người bán; khoản tiền được thanh toán bằng cách cấn trừ nợ).
Về các khoản điều chỉnh phải cộng theo quy định tại Điều 13 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính:
Điều 13. Các khoản điều chỉnh cộng
1. Chỉ điều chỉnh cộng nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Do người mua thanh toán và chưa được tính trong trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán;
b) Phải liên quan đến hàng hóa nhập khẩu;
c) Có số liệu khách quan, định lượng được, phù hợp với các chứng từ có liên quan.
Trường hợp lô hàng nhập khẩu có các khoản điều chỉnh cộng nhưng không có các số liệu khách quan, định lượng được để xác định trị giá hải quan thì không xác định theo phương pháp trị giá giao dịch và phải chuyển sang phương pháp tiếp theo.
3. Các khoản điều chỉnh cộng:
a) …..
g) Chi phí vận tải và chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu nhập đầu tiên, không bao gồm chi phí bốc, dỡ, xếp hàng từ phương tiện vận tải xuống cửa khẩu nhập đầu tiên.
Trường hợp các chi phí bốc, dỡ, xếp hàng từ phương tiện vận tải xuống cửa khẩu nhập đầu tiên đã bao gồm trong chi phí vận tải quốc tế hoặc đã bao gồm trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán thì được trừ ra khỏi trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu nếu đáp đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này.
g.1) Trị giá của khoản điều chỉnh này được xác định trên cơ sở hợp đồng vận tải, các chứng từ, tài liệu liên quan đến vận tải hàng hóa;
g.2) Trường hợp giá mua chưa bao gồm chi phí vận tải nhưng người mua không có hợp đồng vận tải, các chứng từ tài liệu liên quan đến vận tải hàng hóa, hoặc có nhưng không hợp pháp, thì không được áp dụng phương pháp trị giá giao dịch;
g.3) Trường hợp lô hàng có nhiều loại hàng hóa khác nhau nhưng hợp đồng vận tải hoặc các chứng từ, tài liệu liên quan đến vận tải hàng hóa không ghi chi tiết cho từng loại hàng hóa thì người khai hải quan lựa chọn một trong các phương pháp phân bổ sau:
g.3.1) Phân bổ trên cơ sở biểu giá vận tải của người vận tải hàng hóa;
g.3.2) Phân bổ theo trọng lượng hoặc thể tích của hàng hóa;
g.3.3) Phân bổ theo tỷ lệ trị giá mua của từng loại hàng hóa trên tổng trị giá lô hàng.
h) ……
i) Các chi phí nêu tại điểm g và điểm h khoản này không bao gồm thuế giá trị gia tăng phải nộp ở Việt Nam. Trường hợp khoản thuế này đã bao gồm trong chi phí vận tải, phí bảo hiểm quốc tế hoặc đã bao gồm trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán thì được trừ ra khỏi trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu nếu đáp đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp phí chi phí kiểm định chất lượng, số lượng hàng tại cảng đi do người mua thanh toán và chưa gồm trong giá bán hàng hoá ghi trên hoá đơn thương mại thuộc trường hợp c) Các khoản tiền người mua phải trả nhưng chưa tính vào giá mua ghi trên hóa đơn thương mại, do đó phải khai báo vào trị giá tính thuế hàng nhập khẩu theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 6 dẫn trên.
Đối với phí lưu hàng trên tàu tại Hongkong là khoản chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hoá đến cửa khẩu nhập đầu tiên, trường hợp giá mua trên hoá đơn thương mại chưa bao gồm chi phí này và do người mua thanh toán thì là khoản phải cộng vào trị giá tính thuế theo quy định điểm điểm g, khoản 3, Điều 11 dẫn trên.
4. Về khai báo hoá chất:
Trường hợp mặt hàng nhập khẩu là hóa chất nếu có tên trong danh mục các hóa chất phải khai báo hóa chất nguy hiểm với Bộ Công thương khi nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Hóa chất thì công ty phải thực hiện việc khai báo hóa chất nguy hiểm theo quy định kể trên.
Thư Viện Pháp Luật