Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu hàng hóa đông lạnh vào kho ngoại quan rồi quá cảnh sang nước thứ ba
1. Về thủ tục nhập, xuất kho ngoại quan
Căn cứ điểm a khoản 1 và điểm a khoản 3 điều 91 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 91. Quản lý hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra kho ngoại quan
1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa từ nước ngoài nhập kho ngoại quan
a) Trách nhiệm của người khai hải quan
a.1) Khai tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại Phụ lục II và khai vận chuyển kết hợp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 51 Thông tư này.
Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo mẫu HQ/2015/NK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư này;
a.2) Nộp 01 bản chụp vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật (trừ hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ);
a.3) Nộp 01 bản chụp giấy chứng nhận mã số tạm nhập tái xuất của Bộ Công Thương đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện theo quy định của Bộ Công Thương khi đưa từ nước ngoài vào kho ngoại quan để xuất đi nước khác phải được cấp Giấy chứng nhận mã số tạm nhập, tái xuất;
a.4) Nộp 01 bản chính giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc Giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Trường hợp áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan;
a.5) Cập nhật thông tin hàng hóa nhập kho ngoại quan vào phần mềm quản lý hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan của chủ kho ngoại quan và gửi đến Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan.
3. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất kho ngoại quan để xuất ra nước ngoài:
a) Trách nhiệm của người khai hải quan:
a.1) Nộp 01 bản chụp Phiếu xuất kho do doanh nghiệp lập theo quy định về pháp luật kế toán, trong đó có ghi cụ thể hàng hóa xuất kho của từng tờ khai nhập kho;
a.2) Cập nhật thông tin hàng hóa xuất kho ngoại quan vào phần mềm quản lý hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan của chủ kho ngoại quan và gửi đến cơ quan hải quan để quản lý, theo dõi;
a.3) Thực hiện khai vận chuyển độc lập đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Thông tư này”.
Như vậy, thủ tục đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra kho ngoại quan thực hiện theo quy định trên.
Lưu ý công ty, đối với mặt hàng chân, cánh, sụn gà đông lạnh khi nhập khẩu vào Việt Nam phải thực hiện kiểm dịch theo quy định tại Quyết định số 4758/QĐ-BNN-TY ngày 18/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Về thuế xuất nhập khẩu:
-Căn cứ khoản 4, Điều 2, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/04/2016 của Quốc hội quy định như sau:
Điều 2. Đối tượng chịu thuế
4. Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp sau:
…c) Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;…”
Như vậy, trường hợp hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan sau đó xuất khẩu ra nước ngoài không thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/04/2016 của Quốc hội.
Thư Viện Pháp Luật