Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu cám gạo trích ly

Công ty chúng tôi đang nhập khẩu mặt hàng " Cám gạo trích ly". Cho hỏi: 1. Không biết thủ tục nhập khẩu như thế nào? 2. Có cần xin giấy phép kiểm tra nào không? 3. HS code của mặt hàng này?

1. Về mã HS

Căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Cục Kiểm định Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Cục Kiểm định Hải quan xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.

Do công ty không cung cấp tài liệu kỹ thuật, catalogue, hình ảnh của hàng hóa nhập khẩu nên Tổ tư vấn không thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi nêu trên.

Khi phân loại hàng hóa cần tham khảo các quy định sau:

- Sáu (6) quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới ban hành kèm Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/07/2015 của Bộ Tài chính.

- Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân tích phân loại hàng hóa.

- Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa của Hội đồng hợp tác Hải quan Thế giới.

Công ty tham khảo áp mã HS và phân loại mặt hàng trên vào phân nhóm 2302-Cám, tấm và phế liệu khác, ở dạng bột viên hoặc không ở dạng bột viên, thu được từ quá trình giần, sàng, rây, xay xát hoặc chế biến cách khác từ các loại ngũ cốc hay các loại cây họ đậu.

2. Về chính sách XNK:

Mặt hàng đã nêu không thuộc danh mục cấm nhập khẩu hay nhập khẩu có điều kiện theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ. Do đó, công ty thực hiện thủ tục nhập khẩu như hàng hoá thông thường khác.

Hồ sơ, thủ tục nhập khẩu thực hiện theo quy định tại điều 16 và điều 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.

Căn cứ khoản 2 điều 1 Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 05/09/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định:

“Điều 1. Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Thực vật

Cây và các bộ phận còn sống của cây.

2. Sản phẩm của cây

a) Các loại củ, quả, hạt, hoa, lá, thân, cành, gốc, rễ, vỏ cây;

b) Các loại tấm, cám, khô dầu, sợi tự nhiên dạng thô, xơ thực vật;

c) Bột, tinh bột có nguồn gốc thực vật (trừ bột nhào, tinh bột biến tính);

d) Cọng thuốc lá, thuốc lá sợi, thuốc lào sợi, men thức ăn chăn nuôi, bông thô, phế liệu bông, rơm, rạ và thực vật thủy sinh;

đ) Gỗ tròn, gỗ xẻ, pallet gỗ, mùn cưa, mùn dừa;

e) Nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc thực vật;

g) Giá thể trồng cây có nguồn gốc thực vật.

3. Các loại nấm (trừ nấm ở dạng muối, đông lạnh, đóng hộp, nấm men).

4. Kén tằm, gốc rũ kén tằm và cánh kiến.

5. Các loại côn trùng, nhện, nấm bệnh, tuyến trùng, vi khuẩn, virus, phytoplasma, viroids và cỏ dại phục vụ cho công tác giám định, tập huấn, phòng trừ sinh học và nghiên cứu khoa học.

6. Phương tiện vận chuyển, bảo quản vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

7. Các vật thể khác có khả năng mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật sẽ do Cục Bảo vệ thực vật xác định và báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.”.

Đề nghị công ty căn cứ thực tế hàng hoá nhập khẩu để xác định dối tượng kiểm dịch thực vật để thực hiện đúng quy định.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào