Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu sợi Polyeste

Công Ty BKC Vina là công ty 100% vốn nước ngoài. Công ty không có nhà máy sản xuất. Chỉ có văn phòng tại quận 2, TP HCM có nhu cầu: nhập khẩu sợi Polyeste từ Hàn Quốc và Nhật bản về Việt Nam, sau đó giao cho nhà máy dệt/ nhuộm tại Việt Nam để gia công thành vải. Tiếp tục đưa vải đó cho nhà máy May để gia công thành quần áo và xuất khẩu. Hỏi: 1/ Với ngành nghề kinh doanh như trên, công ty tôi có được thực hiện nhập sợi và làm các bước như quy trình bên trên hay không? 2/ Nếu không, để được thực hiện quy trình như đã nêu, công ty tôi cần phải đáp ứng những yêu cầu gì về nhà xưởng, máy móc và ngành nghề kinh doanh?

1. Về thực hiện các quyền kinh doanh:

- Căn cứ Khoản 3 và Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 của Chính phủ quy định:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

...

4. Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hoá đó tại Việt Nam; bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hoá nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hoá tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”.

Căn cứ Điều 2 Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22/04/2013 của Bộ Công Thương quy định:

“Điều 2. Phạm vi thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được tiến hành các hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá theo quy định của Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan”.

Như vậy, trường hợp Giấy chứng nhận đầu tư của công ty chỉ quy định quyền nhập khẩu thì công ty chỉ được tiến hành các hoạt động quyền nhập khẩu hay cả quyền phân phối để nhập khẩu hay mua bán hàng hoá phân phối.

Do đó, Công ty không được phép nhập nguyên liệu để giao cho công ty khác gia công để sản phẩm xuất khẩu như đã nêu.

2. Về điều kiện kinh doanh XNK

- Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 của Chính phủ quy định:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá là hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối, các hoạt động khác được quy định tại Chương IV, Chương V, Chương VI của Luật Thương mại”.

Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định:

“Điều 32. Quyền, nghĩa vụ của bên đặt và nhận gia công

2. Đối với bên nhận gia công:

…b) Được thuê thương nhân khác gia công”.

Hoạt động gia công trong thương mại được quy định tại chương VI của Luật thương mại. Công ty phải bổ sung ngành nghề sản xuất trên Giấy phép đầu tư liên quan quy trình dự kiến thực hiện đồng thời phải có cơ sở, nhà xưởng sản xuất, máy móc thiết bị để tổ chức sản xuất và giấy tờ chứng minh quyền sỡ hữu các loại tài sản trên. Tuỳ theo mục đích và nghiệp vụ mua bán nguyên liệu và sản phẩm xuất khẩu mà công ty khai báo với loại hình phù hợp như: gia công, SXXK hay kinh doanh.

Riêng hàng hóa nhập khẩu để gia công, NPL nhập khẩu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Khi đó công ty phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ để được miễn thuế.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào