Ý nghĩa của dòng chữ "Thời điểm đủ 5 năm..." trên thẻ BHYT
Theo quy định tại Mục 1.9, Khoản 1, Điều 3 Quyết định 1313/QĐ-BHXH năm 2014 của BHXH Việt Nam về việc ban hành mẫu thẻ BHYT thì “Thời điểm đủ 05 năm liên tục:…” được in phía cuối thẻ BHYT dành cho những đối tượng đã nộp BHYT 5 năm liên tục, giúp người tham gia BHYT và cơ sở y tế xác định được thời gian đóng BHYT.
Với những người chưa nộp BHYT 5 liên tục, trên thẻ BHYT sẽ không được in dòng chữ này. Người lao động phải đóng đủ 5 năm liên tục không gián đoạn theo quy định thì trên thẻ BHYT xác định thời gian đủ 5 năm liên tục.
Đây là một trong hai điều kiện để người tham gia BHYT được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
- Cách ghi được thể hiện như sau:
Thời điểm đủ 05 năm liên tục: ghi từ ngày ..../..../….. tham gia BHYT đủ 05 năm liên tục, cụ thể:
a) Trường hợp người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT hoặc thời gian tham gia liên tục chưa đủ 05 năm thì để trống (không ghi tiêu thức này).
b) Trường hợp đã tham gia liên tục từ đủ 05 năm trở lên thì ghi thời điểm đủ 05 năm liên tục như sau:
- Những người đã có đủ 05 năm tham gia BHYT liên tục trở lên tính đến ngày 01/01/2015 thì ghi từ ngày 01/01/2015.
- Từ ngày 01/01/2015 trở đi, những người tham gia BHYT bắt đầu đủ 05 năm liên tục thì ghi từ ngày đầu tiên của năm thứ 6.
* Về quyền lợi khi đóng BHYT đủ 5 năm liên tục: Khi người tham gia BHYT đã có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến) sẽ được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các lần khám chữa bệnh tiếp theo.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về ý nghĩa của dòng chữ "Thời điểm đủ 5 năm..." trên thẻ BHYT. Để nắm rõ hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm quy định tại Quyết định 1313/QĐ-BHXH năm 2014.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật