Hướng dẫn thủ tục hải quan điện tử đối với hàng nhập khẩu gia công cho thương nhân nước ngoài
1. Về khai báo hải quan: Công ty tham khảo hướng dẫn tại Phụ lục II Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015.
2. Về bổ sung Giấy chứng nhận kiểm dịch
Căn cứ khoản 1 điều 28 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định:
Điều 28. Kiểm tra giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, kết quả kiểm tra chuyên ngành
1. Cơ quan hải quan kiểm tra, đối chiếu thông tin về giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kết quả kiểm tra hoặc thông báo miễn kiểm tra chuyên ngành do cơ quan kiểm tra chuyên ngành gửi đến hoặc do người khai hải quan nộp trực tiếp cho cơ quan hải quan với thông tin khai trên tờ khai hải quan và xử lý như sau:
a) Nếu thông tin khai báo phù hợp thì chấp nhận thông tin khai báo;
b) Nếu thông tin khai báo không phù hợp thì yêu cầu người khai hải quan xuất trình hồ sơ để cơ quan hải quan kiểm tra.
Trường hợp tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan chưa có kết quả kiểm tra hoặc thông báo miễn kiểm tra chuyên ngành, khi nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành do người khai hải quan nộp hoặc cơ quan kiểm tra chuyên ngành gửi đến, trong thời hạn 02 giờ làm việc kể từ khi nhận được kết quả kiểm tra, cơ quan hải quan kiểm tra và bổ sung thông tin kết quả kiểm tra chuyên ngành vào Hệ thống hoặc ghi số văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành trên tờ khai hải quan giấy để quyết định việc thông quan hàng hóa.
Như vậy, sau khi công ty bổ sung kết quả kiểm tra chuyên ngành, cơ quan hải quan sẽ kiểm tra và bổ sung thông tin kết quả kiểm tra chuyên ngành vào Hệ thống.
3. Về khai phí CIC
- Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 5. Nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu
1. Nguyên tắc: Trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được xác định theo các phương pháp quy định tại khoản 2 Điều này”.
- Căn cứ Khoản 1 Điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 6. Phương pháp trị giá giao dịch
1. Trị giá giao dịch là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hoá nhập khẩu sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này”.
- Căn cứ quy định tại khoản 1, điểm g khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 13. Các khoản điều chỉnh cộng
1. Chỉ điều chỉnh cộng nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Do người mua thanh toán và chưa được tính trong trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán;
b) Phải liên quan đến hàng hóa nhập khẩu;
c) Có số liệu khách quan, định lượng được, phù hợp với các chứng từ có liên quan.
Trường hợp lô hàng nhập khẩu có các khoản điều chỉnh cộng nhưng không có các số liệu khách quan, định lượng được để xác định trị giá hải quan thì không xác định theo phương pháp trị giá giao dịch và phải chuyển sang phương pháp tiếp theo.
2. Các khoản điều chỉnh cộng:
g) Chi phí vận tải và chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu nhập đầu tiên, không bao gồm chi phí bốc, dỡ, xếp hàng từ phương tiện vận tải xuống cửa khẩu nhập đầu tiên.
Trường hợp các chi phí bốc, dỡ, xếp hàng từ phương tiện vận tải xuống cửa khẩu nhập đầu tiên đã bao gồm trong chi phí vận tải quốc tế hoặc đã bao gồm trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán thì được trừ ra khỏi trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu nếu đáp đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này.
g.1) Trị giá của khoản điều chỉnh này được xác định trên cơ sở hợp đồng vận tải, các chứng từ, tài liệu liên quan đến vận tải hàng hóa;
g.2) Trường hợp giá mua chưa bao gồm chi phí vận tải nhưng người mua không có hợp đồng vận tải, các chứng từ tài liệu liên quan đến vận tải hàng hóa, hoặc có nhưng không hợp pháp, thì không được áp dụng phương pháp trị giá giao dịch;
g.3) Trường hợp lô hàng có nhiều loại hàng hóa khác nhau nhưng hợp đồng vận tải hoặc các chứng từ, tài liệu liên quan đến vận tải hàng hóa không ghi chi tiết cho từng loại hàng hóa thì người khai hải quan lựa chọn một trong các phương pháp phân bổ sau:
g.3.1) Phân bổ trên cơ sở biểu giá vận tải của người vận tải hàng hóa;
g.3.2) Phân bổ theo trọng lượng hoặc thể tích của hàng hóa;
g.3.3) Phân bổ theo tỷ lệ trị giá mua của từng loại hàng hóa trên tổng trị giá lô hàng”.
Như vậy, nếu khoản phụ phí CIC liên quan đến việc vận chuyển hàng hoá nhập khẩu và đáp ứng các điều kiện điều chỉnh cộng thì phải cộng vào trị giá hàng hoá.
4. Về xuất xứ hàng hoá của sản phẩm gia công
Công ty căn cứ vào các điều kiện của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam là nước thành viên để xác định xuất xứ sản phẩm gia công cho phù hợp với thực tế hàng hoá căn cứ hàm lượng xuất xứ Việt Nam.
Thư Viện Pháp Luật