Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu thiết bị có tuổi thiết bị vượt quá 10 năm
Căn cứ điều 1 và điều 6 Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 của Bộ Khoa học công nghệ quy định:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định tiêu chí, hồ sơ, thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, bao gồm cả linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng có mã số HS thuộc Chương 84 và Chương 85 quy định tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01 tháng 7 năm 2015, nhằm sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước mà không thuộc các Danh mục hàng hóa cẩm nhập khẩu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định.
2. Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sau đây:
a) Quá cảnh; chuyển khẩu;
b) Tạm nhập, tái xuất (trừ trường hợp tạm nhập, tái xuất thực hiện các hợp đồng gia công; trường hợp nhập khẩu để sản xuất, thi công thực hiện các dự án đầu tư); tạm xuất, tái nhập;
c) Thực hiện hợp đồng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng với nước ngoài;
d) Nhận chuyển giao trong nước từ doanh nghiệp trong các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất (không thuộc khu chế xuất); giữa các doanh nghiệp trong các khu chế xuất với nhau;
đ) Phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mà trong nước chưa sản xuất được; nhiệm vụ an ninh, quốc phòng theo yêu cầu của các Bộ quản lý chuyên ngành;
e) Máy móc, thiết bị thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
g) Máy móc, thiết bị thuộc ngành in, mã số HS 84.40 đến 84.43;
h) Các trường hợp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu.
…Điều 6. Yêu cầu cụ thể
1. Thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu khi đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm;
b) Được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
2. Đối với thiết bị đã qua sử dụng thuộc các dự án đầu tư, bao gồm dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng, thuộc các trường hợp sau:
a) Dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư;
b) Dự án thuộc diện phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư.
Nếu trong hồ sơ dự án đầu tư có danh mục thiết bị đã qua sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì không phải áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này.
Trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có thể lấy ý kiến thẩm định công nghệ của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ đối với thiết bị đã qua sử dụng trong hồ sơ dự án trước khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
3. Đối với linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng: Chỉ được nhập khẩu khi doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu sửa chữa, thay thế đối với thiết bị đang được vận hành tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất có thể tự nhập khẩu hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp khác thực hiện việc nhập khẩu.
4. Trong trường hợp cần thiết, tùy thuộc đặc thù của từng ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành quy định yêu cầu về tuổi thiết bị thấp hơn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này đối với thiết bị đã qua sử dụng (thấp hơn 10 năm) và thông báo cho Bộ Khoa học và Công nghệ biết để thống nhất quản lý.
Như vậy, trường hợp máy móc, dây chuyền nhập khẩu của công ty thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN thì khi nhập khẩu công ty phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại điều 6 Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN. Trường hợp vướng mắc đề nghị công ty liên hệ Bộ Khoa học Công nghệ để được hướng dẫn chi tiết.
Thư Viện Pháp Luật