Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu đồ nội thất theo dạng viện trợ

Doanh nghiệp A là doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, đang có dự án xây trường tại TPHCM, hiện tại có 1 tổ chức phi chính phủ B tại Hong Kong muốn tài trợ đồ nội thất cho doanh nghiệp A (tổ chức này chưa có trụ sở tại Việt Nam). Cho hỏi: 1. Doanh nghiệp A muốn nhập khẩu hàng này theo dạng viện trợ, thủ tục như thế nào? 2. Những mặt hàng này không phải mới 100%, vậy thì doanh nghiệp A có thể nhập viện trợ không?

1. Đối tượng, thủ tục nhập khẩu hàng viện trợ từ nước ngoài:

a. Đối tượng:

Căn cứ quy định tại Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cho Việt Nam thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

Viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (sau đây gọi tắt là viện trợ) quy định tại Thông tư này là sự trợ giúp không phải hoàn trả dưới hình thức bằng tiền, bằng hiện vật của Bên tài trợ nước ngoài, nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển, nhân đạo hoặc tài trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ, được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Các hàng hoá là quà biếu, quà tặng do các tổ chức, cá nhân từ nước ngoài tặng cho các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam, được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quà biếu, quà tặng hiện hành, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

2. Bên tài trợ nước ngoài trong Thông tư này bao gồm:

a) Các chính phủ nước ngoài, các tổ chức tài trợ song phương và đa phương, các tổ chức liên quốc gia hoặc liên chính phủ cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại cho Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giữa Việt Nam với Bên tài trợ nước ngoài (sau đây viết tắt là ODA không hoàn lại).

b) Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức và cá nhân người nước ngoài khác, kể cả các tập đoàn, công ty có vốn nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tôn trọng và chấp hành luật pháp Việt Nam, có thiện chí cung cấp viện trợ không hoàn lại nhằm hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhân đạo của Việt Nam (viện trợ phi chính phủ nước ngoài, sau đây viết tắt là viện trợ PCPNN).

3. Các đối tượng tiếp nhận viện trợ nước ngoài trong Thông tư này bao gồm:

a) Các tổ chức thuộc bộ máy nhà nước Việt Nam, bao gồm các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là các Bộ); Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

b) Các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.

c) Các hội có tính chất đặc thù được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí và điều kiện hoạt động, theo quy định tại Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù.

Đối chiếu quy định trên với trường hợp của Công ty nêu, doanh nghiệp A là doanh nghiệp xã hội nhưng không nêu rõ tên nên chúng tôi không thể trả lời cụ thể được. Trường hợp doanh nghiệp A thuộc các đối tượng nêu tại khoản 3, Điều 1 Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính dẫn trên thì được tiếp nhận viện trợ nhân đạo từ tổ chức phi chính phủ B ở nước ngoài tại Hồng Kong.

b. Về thủ tục nhập khẩu hàng viện trợ:

Hồ sơ, thủ tục nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 (điểm a) Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.

2. Về chính sách mặt hàng nhập khẩu:

Do Công ty không cụ thể tên hàng Công ty nhập khẩu là gì nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể về chính sách mặt hàng, Công ty có thể tham khảo Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ để thực hiện.

Lưu ý: Đối với một số mặt hàng tiêu dùng đã qua sử dụng thuộc Danh mục hàng hoá đã qua sử dụng cấm nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công thương.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào