Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu rễ cây bách bộ
1. Về chính sách mặt hàng:
Công ty nhập khẩu mặt hàng rễ cây bách bộ (dùng làm dược liệu), về chính sách mặt hàng, Công ty có thể tham khảo Thông tư số 03/2016 ngày 21/01/2016 của Bộ Y tế quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu để thực hiện, cụ thể như sau:
“Điều 3: Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Dược liệu thô (dược liệu sống) là nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên từ thực vật, động vật, khoáng vật có thể dùng làm thuốc nhưng chưa qua sơ chế chế biển.
2. Dược liệu là nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên từ thực vật, động vật, khoáng vật, đạt tiêu chuẩn làm thuốc theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam.
3. Dược liệu có độc tính sử dụng làm thuốc là dược liệu thuộc Danh mục dược liệu có độc tính sử dụng làm thuốc tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định….”
“Điều 5: Điều kiện xuất khẩu nhập khẩu dược liệu
1. Cơ sở Việt Nam nhập khẩu dược liệu phải có đủ các điều kiện sau đây:
a. Đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu.
b. Đạt các nguyên tắc “Thực hành tốt bào quản thuốc” đối với dược liệu theo quy định tại Thông tư này do Bộ Y tế kiểm tra.
c. Cơ sở kinh doanh dược liệu chưa đủ điều kiện nhập khẩu trực tiếp phải ký kết hợp đồng ủy thác nhập khẩu với cơ sở có đủ điều kiện nhập khẩu theo quy đinh và tên cơ sở ủy thác nhập khẩu phải được thể hiện trên đơn hàng nhập khẩu.
2. Ngoài điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ sở nhập khẩu dược liệu khi đăng ký tờ khai Hải quan còn phải xuất trình bản chính và nộp cho cơ quan hải quan bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp đối với các giấy tờ sau để làm thủ tục thông quan hàng hóa:
a)Giấy phép nhập khẩu dược liệu do Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế cấp theo quy định của Thông tư này.
b) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của dược liệu do tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu là chứng từ điện tử thì cơ quan Hải quan chấp nhận các chứng từ này.
c) Từ ngày 01/07/2016, dược liệu nhập khẩu trong Danh mục phải có Phiếu kiểm nghiệm của từng lô dược liệu (kèm theo bản dịch ra tiếng Anh hoặc tiếng Việt) của cơ sở sản xuất nếu cơ sở đó đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP), đối với cơ sở sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn GMP thì phải có Phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Hằng năm, Bộ Y tế công bố danh mục dược liệu phải có Phiếu kiếm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp…”
2. Về chính sách thuế:
- Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu làm dược liệu tiêu dùng nội địa theo loại hình A12 thì thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu và thuế GTGT theo quy định hiện hành:
+ Thuế suất thuế nhập khẩu: Công ty tham khảo vào Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm Nghị định 122/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/09/2016). Trong trường hàng hoá có xuất xứ từ nước hoặc nhóm nước có ký kết Hiệp định thương mại về ưu đãi thuế quan với Việt Nam thì thuế suất áp dụng theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định của từng Hiệp định.
+ Thuế suất thuế GTGT: Công ty tham khảo Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam.
- Trường hợp nhập khẩu theo loại hình tạm nhập tái xuất: Hàng tạm nhập, tái xuất trong thời hạn nhất định được miễn thuế theo quy định tại khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành và thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT quy định tại khoản 20, Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
Đề nghị công ty tham khảo nội dung quy định trên để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị công ty liên hệ trực tiếp với Chi cục Hải quan nơi dự kiến đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.
Thư Viện Pháp Luật